Ký ức không thể quên

70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của những người từng góp sức làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như Thiếu tướng Lò Văn Nhài, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu II, không thể quên năm tháng gian khổ, nhưng hết sức vẻ vang đó. Khi về nghỉ chế độ hưu trí tại quê hương Phù Yên, nhân dân yêu quý, trân trọng gọi ông là Tướng Nhài.

Giọng nữ
Thiếu tướng Lò Văn Nhài giới thiệu những bức ảnh kỷ niệm của cuộc đời quân ngũ với phóng viên.

Sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân tại xã Tường Thượng, huyện Phù Yên. Chứng kiến quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, nhân dân bị bóc lột nặng nề, mong muốn góp sức trẻ bảo vệ quê hương, đất nước, năm 1953, khi tròn 17 tuổi, chàng thanh niên trẻ Lò Văn Nhài đã trốn gia đình nhập ngũ, được biên chế vào Huyện đội Phù Yên. Sau khi hoàn thành huấn luyện, ông được giao nhiệm vụ làm công tác bảo vệ tuyến đường vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm từ chân đèo Lũng Lô, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, đến bến phà Tạ Khoa, huyện Bắc Yên. Thời điểm đó, xe đạp thồ không nhiều, ngoài công tác bảo vệ, ông Nhài cùng nhiều người dân Phù Yên gánh, gùi hàng hóa băng rừng, vượt núi, phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng Lò Văn Nhài nhớ lại: Cùng với đèo Lũng Lô, dốc Noong Đa, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên cũng bị địch đánh phá ác liệt. Có lần tôi tham gia gánh hàng cùng đồng bào đi đến bến phà Tạ Khoa, chỉ huy thông báo có máy bay địch đánh phá, yêu cầu ẩn nấp. Lần đó, có quả bom rơi trúng núi đá, cách chỗ chúng tôi trú ẩn khoảng 30m, nếu phát nổ thì toàn bộ đất, đá phía trên núi sẽ đổ ập xuống nơi chúng tôi đang ẩn nấp. Thật may quả bom không nổ, nếu không toàn bộ đoàn dân công không thoát được thương vong hoặc hy sinh.

Sau một hồi ngậm ngùi, ông kể tiếp, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhóm thổ phỉ nổi dậy ở khu vực các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái. Lực lượng bộ đội địa phương ở Phù Yên có thêm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt các nhóm phỉ. Mặc dù không trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi đã góp phần ổn định hậu phương, giúp tuyến đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược luôn được thông suốt.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với đường 41 (ngày nay là quốc lộ 6), tuyến đường 13 (nay quốc lộ 37) là hai tuyến hành quân quan trọng của quân dân ta. Tuyến đường 13, đi qua khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, là điểm nghỉ chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn sĩ quan chỉ huy Chiến dịch, cùng các đơn vị Đại đoàn 312, 315, 316 hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, ông được đơn vị giao nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ vòng ngoài khu vực đóng quân của Đại tướng và đoàn sĩ quan.

Đảm bảo yếu tố bí mật, thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn sĩ quan chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được giữ kín tuyệt đối. Thiếu tướng Lò Văn Nhài kể: Khi ấy, tôi và đồng đội không hề biết mình có vinh dự được bảo vệ “Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội ta tiếp tục hành quân, giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông tin này mới được công bố. Đây cũng là nguồn gốc của cái tên “Rừng Tướng Giáp” rộng hơn 300 ha, được nhân dân bản Nhọt, xã Gia Phù yêu quý và đặt tên.

Sau năm 1954, ông tiếp tục công tác trong quân đội và giữ nhiều chức vụ ở các đơn vị thuộc Quân khu II. Đến năm 1959, ông được Bộ Tư lệnh Quân khu II cử đi học tại Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam (nay là Trường sĩ quan lục quân I, còn gọi là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn). Năm 1987, sau khi được phong quân hàm Thiếu tướng và giữ chức Phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân khu II, trong một chuyến đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm các đơn vị, ông Nhài vinh dự được trò chuyện và chụp ảnh cùng Đại tướng. Bức ảnh đó được ông và gia đình trân quý, giữ gìn cẩn thận như kỷ vật thiêng liêng.

Trở về với cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Lò Văn Nhài luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Bài, ảnh: Khải Hoàn (Ghi theo lời kể nhân vật)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới