Xử lý tình trạng bán xăng dầu trái phép

Hơn một năm trở lại đây, xuất hiện khá nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn dù không được cấp phép, nhưng vẫn lắp đặt bể chứa, cột bơm tự động... bán xăng dầu cho khách hàng. Vì lợi nhuận, những cây xăng trái phép cứ đua nhau mọc lên, bất chấp lệnh cấm từ các cơ quan chức năng và nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ tiềm ẩn...

Cây xăng mini hoạt động trái phép tại xã Mường É (Thuận Châu).

Nhan nhản “cây xăng” tự phát

Không được cấp phép hoạt động, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, không kiểm định chất lượng xăng dầu, không bán đúng giá Nhà nước quy định, cùng rất nhiều cái “không” khác đang là thực trạng diễn ra tại các điểm bán lẻ xăng dầu trái phép (còn gọi là “cây xăng mini”) trên địa bàn nông thôn ở một số huyện, thành phố.

Tại xã Mường É (Thuận Châu), một “cây xăng mini” đặt tại bản Chiềng Ve B, cách trụ sở UBND xã chưa đến 1 km đang hoạt động rất nhộn nhịp. Vận hành từ năm 2018, mỗi ngày “cây xăng” này bán ra vài trăm lít xăng, dầu. Theo quan sát của chúng tôi, “cây xăng mini” này chỉ là 1 cột bơm điện tự động, tọa lạc trên diện tích chưa đầy 10 m2, cơ sở vật chất rất tuềnh toàng, gồm những thùng phuy, can đựng dầu vứt lăn lóc, không hề có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Bán hàng là một phụ nữ không mang đồ bảo hộ, không găng tay, khẩu trang, vẫn bơm xăng cho chúng tôi một cách khá thành thạo. Với 40 nghìn đồng, chị ta tính nhanh trên vạch 1,75 lít. Đong và bán xăng cho khách theo chỉ số trên cột bơm, giá ước chừng 23.000 đồng một lít xăng, cao hơn gần 3.000 đồng so giá bán tại cửa hàng xăng dầu của các công ty. Người phụ nữ giải thích giá xăng cao hơn bởi xăng đảm bảo chất lượng tốt, lại mất công vận chuyển ở xa về. Khi được hỏi về thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chị trả lời chỉ là người bán thuê và thoái thác trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Song, qua tìm hiểu chúng tôi biết, chị chính là chủ cây xăng.

Đến bản Cóng, thuộc địa bàn xã Phổng Lăng, chúng tôi lại thấy một “cây xăng mini” trái phép khác với một cột bơm điện và phần mái che tạm bợ nằm sát quốc lộ 6. Ở đây, chúng tôi phải trả 23.000 đồng cho 1 lít xăng chưa rõ loại nào, nếu so với giá bán lẻ của xăng Ron 95-IV (loại có giá bán lẻ cao nhất sử dụng cho xe máy, ô-tô) thì giá bán ở đây cao hơn 1.620 đồng/lít. Trả lời câu hỏi của chúng tôi:  Tại sao “cây xăng” không được cấp phép mà vẫn hoạt động? Lãnh đạo cả hai xã Mường É và Phổng Lăng đều chung câu trả lời: “Cây xăng mini” do người dân tự ý xây dựng trên đất của gia đình; xã cũng chỉ nắm tình hình, rồi báo cáo lên cấp trên và đợi ý kiến chỉ đạo giải quyết của huyện.

Theo thống kê của chúng tôi, địa bàn huyện Thuận Châu hiện có 26 đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, 11 cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định; còn 15 “cây xăng mini” tại các xã Long Hẹ, Co Mạ, Mường Bám, Mường É, Phổng Lái, Phổng Lập, Phổng Lăng, Chiềng Pha, Chiềng Bôm, Nậm Lầu, Mường Khiêng đều không bảo đảm các điều kiện kinh doanh. Vì lợi nhuận, các “cây xăng mini” trái phép đua nhau mọc lên, bất chấp các quy định của Nhà nước. Nhưng không chỉ ở các xã vùng sâu, vùng cao, vùng xa, mà ngay tại các xã thuộc địa bàn Thành phố cũng xảy ra tình trạng này. Tại xã Chiềng Đen, một “cây xăng mini” với 2 cột bơm điện tự động nằm gọn trong ngôi nhà mái tôn ngay cạnh trung tâm xã, dù chưa được cấp phép vẫn hoạt động.

Xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, địa điểm kinh doanh phải được các cơ quan quản lý cấp phép, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn môi trường... Theo số liệu điều tra của chúng tôi, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 150 cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu, thì có tới trên 50 “cây xăng mini” hoạt động trái phép. Các điểm bán lẻ này đã tồn tại một thời gian, mua bán, kinh doanh xăng dầu trôi nổi trên thị trường. Trao đổi với lãnh đạo Chi nhánh Xăng dầu Sơn La, được biết mỗi “cây xăng mini” bình quân bán 20.000 lít - 30.000 lít xăng, dầu/tháng. Theo Nghị quyết số 579 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mức thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít. Như vậy, với trên 50 “cây xăng mini” hoạt động trái phép, ngân sách tỉnh sẽ thất thu một khoản rất lớn tiền thuế bảo vệ môi trường,  thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phí khác từ hoạt động kinh doanh xăng dầu; gây thiệt hại cho những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính. Cùng với đó, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cao về cháy nổ, ô nhiễm môi trường...

Lời giải nào cho việc xử lý “cây xăng mini”

Là đơn vị kinh doanh xăng dầu chính trên địa bàn tỉnh, việc tồn tại các “cây xăng mini” tự phát  khiến hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Xăng dầu Sơn La bị ảnh hưởng rất lớn, khó khăn trong hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách. Năm 2018, Chi nhánh nộp vào ngân sách tỉnh 271 tỷ đồng, mục tiêu năm 2019 sẽ nộp 344 tỷ đồng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, Chi nhánh mới nộp được 159,6 tỷ đồng (bằng 46,4% kế hoạch). Ông Hoàng Đông Dậu, Giám đốc Chi nhánh, thẳng thắn: Chi phí đầu tư xây dựng một cây xăng tại các xã vào khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng, tối thiểu mỗi cây xăng phải bán được trên 50.000 lít xăng, dầu/tháng mới đáp ứng được chi phí kinh doanh, nhưng thực tế hiện nay lượng xăng tiêu thụ trung bình trên địa bàn xã chỉ đạt khoảng 20.000 lít - 30.000 lít/tháng. Vì vậy, các “cây xăng mini” có cơ hội mọc lên tại các xã vùng sâu, vùng cao. Tuy nhiên, hình thức bán xăng dầu này ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân nếu cháy nổ xảy ra; quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm bởi giá xăng dầu tại các điểm bán thường bị đẩy lên cao và không thể tin cậy về chất lượng cũng như định lượng.

Cây xăng mini hoạt động trái phép tại xã Chiềng Đen (Thành phố).

Trao đổi với ông Trương Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, được biết: Huyện đã thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý đối với hoạt động của các “cây xăng mini”; kiên quyết đình chỉ hoạt động, niêm phong các “cây xăng mini” hoạt động trái phép. Song, vì các cây xăng nằm trên đất cá nhân, nên sau khi tổ công tác liên ngành dời đi, các chủ cây xăng lại tự ý bóc niêm phong và tiếp tục hoạt động kinh doanh; một số cơ sở thường trốn tránh, không hợp tác...

Còn ông Nguyễn Việt Khoa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh), cho biết: Tình trạng các cây xăng mini trái phép bắt đầu xuất hiện vào thời điểm giữa năm 2018 và chưa có tiền lệ trước đây nên có những khó khăn nhất định trong công tác xử lý. Xăng dầu là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, để tịch thu phải có phương tiện chuyên dụng vận chuyển từ nơi vi phạm về kho bãi bảo quản. Lực lượng tiến hành tạm giữ phải được đào tạo và cấp chứng chỉ về nghiệp vụ PCCC và bảo vệ môi trường. Mặt khác, số lượng xăng dầu tạm giữ phải được quản lý riêng từng trường hợp vi phạm và phải được bảo quản tại kho xăng dầu đủ điều kiện an toàn về cháy nổ... Đây là những khó khăn của lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu trái phép.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La, trong tháng 6/2019, Đoàn Kiểm tra liên ngành gồm: Cục Quản lý thị trường Sơn La, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), Chi nhánh Xăng dầu Sơn La và huyện Thuận Châu tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu đối với cây xăng mini của gia đình ông Lò Văn Kiểm ở bản Hụn, xã Mường Khiêng (Thuận Châu). Sau khi kiểm tra phát hiện hành vi kinh doanh xăng dầu trái phép, đã tiến hành hút toàn bộ xăng ở téc lên xe chuyên dụng chuyển về địa điểm lưu giữ và tháo dỡ cột bơm xăng, tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu gia đình ông Kiểm ký cam kết không tiếp diễn tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép. Sau khi tiến hành xử lý điểm đối với “cây xăng mini” của ông Lò Văn Kiểm, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành rút kinh nghiệm và thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh. Cũng theo ông Nguyễn Việt Khoa, thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép. Đối với các “cây xăng mini” không đủ điều kiện hoạt động, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu tháo dỡ ngay.

Thực tế hiện nay, việc dỡ bỏ các “cây xăng mini” cũng đang đặt ra bài toán cho việc cung cấp xăng dầu ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi các cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp, đơn vị chính thống chưa vươn tới. Để đảm bảo việc kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, đối với các cây xăng mini đã đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của “cây xăng mini” thực hiện các thủ tục để được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định, đảm bảo các yêu cầu về danh mục thu hút đầu tư, khoảng cách với các cửa hàng xăng dầu hiện có, đảm bảo thiết kế, trang thiết bị theo quy chuẩn. Ông Hoàng Đông Dậu, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Sơn La cho biết thêm: Nếu các “cây xăng mini” đảm bảo được các điều kiện kinh doanh, Chi nhánh sẽ tạo điều kiện cung cấp xăng, dầu đảm bảo về chất lượng, phù hợp về giá cả cho các “cây xăng mini” hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của người dân.

Việc xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép tại các “cây xăng mini” trên địa bàn tỉnh cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương. Ngoài việc xử lý các chủ cây xăng thì cần điều tra, xử lý các đầu mối phân phối xăng dầu cho các cửa hàng không đủ điều kiện, góp phần đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới