Công tác bảo đảm hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Đây là chiến thắng to lớn nhất, vĩ đại nhất của của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954); là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954.

Giọng nữ

Với chiến thắng này, quân và dân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi. Trong các nguyên nhân làm nên chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, có một nguyên nhân hết sức quan trọng, mang tính quyết định, đó là công tác hậu cần, đảm bảo về nhân tài, vật lực phục vụ chiến dịch.

Những chiếc xe đạp thồ đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. Ảnh: T.L

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã bước sang năm thứ tám. Ta đang chuyển mạnh sang giai đoạn tổng phản công. Thực dân Pháp bị sa lầy và đang suy yếu nghiêm trọng. Chi phí chiến tranh tăng cao và tình hình chính trị xã hội ở Pháp bất ổn, khiến chúng không còn đủ sức chịu đựng cuộc chiến này. Pháp đang tìm cách để có thể rút khỏi cuộc chiến trong danh dự. 

 Để đối phó với quân chủ lực của ta, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và nhanh chóng biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Chúng tổ chức một cầu hàng không nối Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai để đưa lực lượng, vũ khí, khí tài và trang thiết bị quân sự lên Điện Biên. Có thể nói, việc tổ chức hậu cần của quân Pháp tại Điện Biên Phủ được thực hiện khẩn trương, bằng các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ. 

 Ngày 7/12/1953, Đại tá Christian de Castries được bổ nhiệm làm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Giới quân sự Pháp và Mỹ nhận định: Việt Minh chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm mạnh. Mặt khác, chiến trường Điện Biên Phủ xa hậu phương của ta, nên ta không có khả năng chi viện cho chiến dịch với quy mô lớn, diễn ra dài ngày. Nếu tiến công, quân đội ta sẽ không tránh khỏi thất bại. Từ nhận định đó, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương đã coi Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”; đồng thời thả truyền đơn thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công.  

Về phía ta, ngày 20/12/1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và xác định đây là trận quyết chiến chiến lược, nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội, Bí thư Tổng Quân ủy được chỉ định trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.  

Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị là một chủ trương rất kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, đầy bản lĩnh và kịp thời, thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhằm tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Tuy nhiên, nếu chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược, ta phải chấp nhận những khó khăn vô cùng to lớn. Đó là bằng mọi cách, phải đảm bảo công tác hậu cần, kỹ thuật, thực hiện chính sách hậu phương quân đội cho một lực lượng rất lớn tại một địa bàn xa hậu phương hàng ngàn km, trên những con đường độc đạo, chủ yếu bằng sức người, qua rất nhiều đèo cao, vực thẳm và sẽ luôn bị địch đánh phá khốc liệt. 

Thấy rõ những khó khăn khi đánh Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy đã nhận định “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến.”

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy mặt trận, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được xúc tiến khẩn trương với rất nhiều lực lượng tham gia. Nhiệm vụ chủ yếu của công tác hậu cần là mở đường ra trận. Từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, ta đã huy động hơn 260 nghìn dân công hỏa tuyến, trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong phối hợp với bộ đội công binh, làm mới 89 km từ Tuần Giáo lên Điện Biên; sửa chữa 200km đường 41 từ Hòa Bình lên Sơn La; 300km đường từ Yên Bái lên Sơn La bảo đảm cho xe ôtô, phương tiện thô sơ có thể vận chuyển liên tục, phục vụ chiến dịch dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. 

Nhằm cắt đứt con đường tiếp vận của ta lên Điện Biên Phủ, địch đã tập trung lực lượng không quân đánh phá rất ác liệt các tuyến đường. Chúng xác định có 40 điểm có thể cắt đứt hiệu quả lớn. Máy bay địch đã đánh 1.186 trận vào các tuyến giao thông. Các địa danh như đèo Lũng Lô, dốc Pha Đin và các đầu mối giao thông quan trọng như: Cò Nòi, Tuần Giáo, bến phà Tạ Khoa… đã trở thành những tọa độ lửa, thành “yết hầu” mà địch tập trung đánh phá ác liệt nhất. Hàng vạn dân công và thanh niên xung phong đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội cao xạ và lực lượng công binh ngày đêm bám đường, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, đảm bảo cho tuyến vận chuyển luôn thông suốt trong mọi tình huống. Trong chiến dịch này, chỉ riêng tại Ngã ba Cò Nòi đã có hàng trăm chiến sĩ thanh niên xung phong anh dũng chiến đấu và hi sinh để bảo vệ con đường.

Với tinh thần yêu nước cao độ, nhân dân ta từ miền xuôi đến miền ngược không ngại khó khăn gian khổ, đã nô nức tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, đóng góp công sức, vận chuyển hàng hóa ra mặt trận. Cùng với vận tải cơ giới, nhiều tuyến vận tải bộ bằng các loại phương tiện thô sơ đã được tổ chức. Hơn 2 vạn xe đạp thồ của lực lượng dân công đã được huy động phục vụ chiến dịch; nhân dân ta đã đóng góp hơn 18 triệu ngày công, tổ chức vận chuyển lên mặt trận Điện Biên hơn 25.000 tấn hàng hóa các loại, đảm bảo cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch.

Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc đã đóng góp được 7.360 tấn gạo, chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại tuyến chiến đấu. Ngoài ra, đồng bào còn ủng hộ bộ đội 389 tấn thịt, khoảng 700-800 tấn rau xanh; động viên hơn 31.818 dân công ngắn hạn, gồm 1.296.078 ngày công làm cầu đường và tham gia tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa lên mặt trận.

 Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã khai thác tốt nguồn hậu cần tại chỗ, huy động sức mạnh của toàn dân phục vụ cho chiến dịch này. Sự sáng tạo, độc đáo trong tổ chức và thực hiện công tác hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã làm cho thực dân Pháp hết sức bất ngờ và thán phục. Nhà báo Pháp Giuyn Roa cho rằng “chính là bằng những chiếc xe đạp thồ 200 - 300kg hàng và đẩy bằng sức người..” đã đánh bại tướng Nava. Ký giả người Pháp Jules Roy ghi nhận: “Việt Minh chỉ có khoảng vài trăm xe tải nhưng có hàng vạn dân công. Những đôi quang gánh, đôi bồ, những chiếc xe đạp Pơgiô do Pháp sản xuất thồ được đến 200 - 300kg đã đánh bại tướng Nava”.

  Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trên địa bàn xa hậu phương, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “... Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.

NGUYỄN VŨ ĐIỀN (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới