Miền đất Sơn La trên hành trình du lịch “về nguồn”

Những ngày này, tuyến quốc lộ 6 kết nối thủ đô Hà Nội với chiến trường Điện Biên xưa nườm nượp những đoàn xe đưa các cựu chiến binh và du khách về thăm lại chiến trường oanh liệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trên hành trình “du lịch về nguồn” ấy, có rất nhiều đoàn khách dừng chân tại Sơn La, thăm các di tích lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến diễn ra trên miền đất Tây Bắc.

Giọng nữ
Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Điểm dừng chân đầu tiên là Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại huyện Mộc Châu. Khu di tích được xây dựng trên ý tưởng bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng - một chiến sĩ của Trung đoàn năm xưa. Tọa lạc trong không gian cao thoáng đãng, di tích mang đến cho du khách những hình dung về binh đoàn Tây Tiến xưa khi bước qua 52 bậc đá thiết kế bậc thẳng, bậc cao vút hay uốn lượn như con đường hành quân năm nào. Cùng với biểu tượng Thạt Luông của các bộ tộc Lào gửi đoàn quân và hoa cỏ lau, khu hoài niệm, đài vọng tưởng mở ra một không gian rộng ngút ngàn tầm mắt… tất cả mang đến cho du khách, nhất là những cựu chiến binh từng trải qua kháng chiến những cảm xúc dâng trào, bồi hồi xúc động.

Chị Lò Ngọc Muốn, thuyết minh viên tại Di tích lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến, Mộc Châu chia sẻ: Mỗi năm, di tích đón trên 10.000 lượt khách đến tham quan, đa phần khách là các đoàn cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, đoàn công tác trong và ngoài tỉnh. Khách đến đông nhất vào thời điểm cuối tuần và các dịp lễ, ngày kỷ niệm. Du khách khi đến đây thường nán lại vãn cảnh, dâng hương tại văn bia tưởng niệm và bày tỏ niềm xúc động khi được nghe thuyết minh, giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của di tích lưu niệm này.

Các em học sinh với hành trình "về nguồn" thăm Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, huyện Mộc Châu

Vượt qua con dốc Chiềng Đông với những khúc cua gấp thách thức nhiều tay lái, hành trình “về nguồn” đưa du khách dừng chân tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi tọa lạc ngay điểm giao giao giữa quốc lộ 6 và quốc lộ 37 thuộc xã Cò Nòi, Mai Sơn. Nơi đây, 70 năm về trước là một “yết hầu” mà quân Pháp quyết liệt ngăn chặn nhằm cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. “Trái tim” của khu di tích là Đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong nhìn ra quốc lộ 6 được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân hơn 100 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại nơi đây, viết lên khúc tráng ca bất diệt trong thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.      
Ảnh: PV

Ông Phạm Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Mai Sơn, kiêm Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, nói: Di tích thường xuyên đón các đoàn du khách khắp các miền về dâng hương, tham quan. Những ngày lễ, ngày kỷ niệm, nhất là trong dịp này khi cả nước cùng hướng về Điện Biên thì khu di tích cũng đón thêm số lượng khách tăng nhiều hơn so với mọi năm. Hiện nay, khu di tích đang được đầu tư xây dựng thêm một số các hạng mục thiết yếu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong thời gian tới.

Trên hành trình “về nguồn” thăm chiến trường xưa, địa điểm du khách không thể bỏ qua là Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn  La. Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Nơi đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, từng giam giữ 1007 lượt tù nhân cộng sản, là nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Ngày nay, những dấu tích còn lại của nhà tù thực dân xưa vẫn còn đó, minh chứng tội ác của chiến tranh và sự kiên trung, bất khuất của các anh hùng liệt sĩ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Du khách nước ngoài thăm Nhà tù Sơn La

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, rất nhiều đoàn khách từ khắp các miền đất nước về thăm di tích. Nhất là trong những ngày tháng 4, gần với Ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì lượng khách ngoại tỉnh càng đông, tăng hơn 200% so cùng thời điểm này của năm trước. Có những ngày, di tích đón trên 3.000 lượt khách tới tham quan. Đơn vị đã chỉnh trang không gian khu di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí lại các gian trưng bày của bảo tàng, tổ chức 2 cuộc triển lãm tranh, ảnh, tư liệu liên quan đến Bác Hồ kính yêu; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ, bổ sung nhân viên thuyết minh để phục vụ chu đáo cho các đoàn khách đến tham quan khu di tích.

Rời thành phố Sơn La, đến mảnh đất Thuận Châu anh hùng, hành trình trên tuyến quốc lộ 6 sẽ đưa du khách tới thăm Kỳ đài Thuận Châu tại bản Pán, xã Chiềng Ly. Nơi đánh dấu sự kiện lịch sử ngày 7/5/1959, Hồ Chủ tịch cùng với Ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ lên thăm Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái – Mèo.

Kết thúc hành trình là trải nghiệm cung đường huyền thoại với Di tích đèo Pha Đin thuộc xã Phổng Lái, nằm trên quốc lộ 6, dài 30km, tiếp giáp giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối Điện Biên với Trung ương và các tỉnh miền xuôi, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khu vực đèo Pha Đin từng bị Pháp đánh phá ác liệt, nhằm ngăn chặn quân ta vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên chiến trường Điện Biên.

Đền thờ liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin đã hoàn thành, là công trình ý nghĩa để chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; công trình có ý nghĩa và giá trị lịch sử, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.  

Đoàn cựu chiến binh thành phố Hải Phòng triển lãm tư liệu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Sơn La

Còn rất nhiều địa chỉ trên hành trình “về nguồn” trên mảnh đất Sơn La, bởi toàn tỉnh có tới 96 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có tới 61 di tích thuộc loại hình lịch sử - văn hóa. Sơn La tự hào là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, lưu giữ được nhiều chứng tích quan trọng minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc và sự anh dũng, quả cảm của quân và dân các dân tộc Sơn La trong các cuộc kháng chiến.

Những di tích ấy luôn có giá trị văn hóa, là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau, vừa là địa chỉ ý nghĩa cho hành trình du lịch về nguồn thu hút du khách bốn phương trên cung đường lên với Tây Bắc.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới