Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Với mục tiêu tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em phát triển toàn diện, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng mô hình “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh hiện có 123/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mô hình này.

 

 

Bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội khám sàng lọc trẻ bị tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Theo thông tin từ ông Bùi Kim Sơn, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), toàn tỉnh hiện có 383.330 trẻ em, thì hơn 5.000 trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động, các kế hoạch thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình của Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, Thành phố đánh giá các tiêu chí xây dựng “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cộng tác viên tại các xã, phường, thị trấn.

 

Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vận động xã hội, các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng hàng nghìn suất quà, 50 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo; phối hợp tổ chức khám sàng lọc tim bẩm sinh, khuyết tật cho trẻ (gần 200 trẻ được chỉ định phẫu thuật miễn phí). Qua đánh giá, toàn tỉnh có trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 85% trẻ em được phát hiện có nguy cơ và được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

Thực hiện tiêu chí trẻ em được đi học, các địa phương đã huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị thiết bị dạy và học; duy trì phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, hỗ trợ tiền ăn, ở, gạo cho học sinh phổ thông theo Nghị định 116/NĐ-CP, hỗ trợ học sinh đi học qua sông... Hằng năm, 98% trẻ từ 3 - 5 tuổi trong tỉnh đi học mẫu giáo; 99,8% trẻ từ 6-10 tuổi học bậc tiểu học; 97,5% trẻ từ  11-14 tuổi đi học bậc THCS...

 

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề: Phòng, chống bạo lực trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; phòng, ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn tổ chức diễn đàn “Trẻ em với các vấn đề của trẻ em”. Riêng Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh tham mưu, tổ chức để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương gặp mặt, đối thoại và lắng nghe ý kiến của trẻ em; tổ chức chương trình ngoại khóa, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề thông qua hoạt động của 12 CLB quyền trẻ em tại các huyện, Thành phố, các em được chia sẻ, bày tỏ tâm tư nguyện vọng; truyền tải thông điệp đến gia đình, xã hội và nhà trường quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các tiêu chí: Trẻ em được khai sinh đúng quy định; được khám sức khỏe định kỳ; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục thể thao... cũng được triển khai thực hiện đúng quy định.

 

Qua triển khai xây dựng mô hình “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần  tạo điều kiện để trẻ em được thể hiện các quyền của mình và được phát triển toàn diện.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới