Xây dựng Trung tâm thương mại Thành phố - lợi ích kép

Với mục tiêu phấn đấu Thành phố Sơn La trở thành Trung tâm tiểu vùng Tây Bắc và đô thị loại II vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 13/9/2016, UBND Thành phố đã ra Quyết định số 2521/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thương mại, dịch vụ tổng hợp Thành phố.

Phối cảnh khu Trung tâm thương mại Thành phố.

Theo đó, diện tích đất của Sân vận động tỉnh sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu Trung tâm thương mại, đây sẽ là điểm nhấn về quy hoạch kiến trúc của Thành phố. Đồng thời, là đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm, thu hút khách du lịch và tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách địa phương.

Sân vận động tỉnh ở tổ 3, phường Quyết Thắng (Thành phố) được xây dựng từ năm 1997, đến năm 2006 đưa vào sử dụng với tổng diện tích 32.530m2. Quy mô xây dựng theo tiêu chí sân vận động đô thị loại III với 5.000 chỗ ngồi; các công trình phụ trợ chưa được đầu tư đồng bộ như: Không có bãi đỗ xe tĩnh, các tuyến giao thông xung quanh sân vận động hẹp, khi tổ chức các sự kiện của tỉnh và của Thành phố thường xảy ra ách tắc, mất an toàn giao thông cục bộ và không đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện, các giải đấu mang tính khu vực và quốc gia; trong khi không thể mở rộng, nâng cấp để đảm bảo tiêu chí của đô thị loại II vì sân nằm trong vùng lõi đô thị. Với vị trí quỹ đất Sân vận động tỉnh được đặt tại trung tâm Thành phố, tiếp giáp với 3 tuyến giao thông nội thị và 1 tuyến Quốc lộ (đường Trường Chinh - phường Quyết Thắng), có tiềm năng, lợi thế thương mại, dịch vụ, do vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ tạo một khu Trung tâm thương mại hiện đại, điểm nhấn kiến trúc cho không gian đô thị. Đồng thời, tạo nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm hoạt động thể thao, Sân vận động mới với quy mô từ 20.000 đến 25.000 chỗ ngồi tại phường Chiềng Sinh, đảm bảo các điều kiện để tổ chức các sự kiện lớn và các giải thi đấu; phù hợp với các tiêu chí của đô thị loại II.

Phối cảnh khu Trung tâm thương mại Thành phố.    

    

Theo đồ án quy hoạch chi tiết, khu Trung tâm thương mại sẽ được xây 2 tầng hầm và 3 tầng nổi, được bố trí tại ngã 3 tiếp giáp với trục đường Trường Chinh và đường Giảng Lắc, tạo điều kiện cho nhu cầu phát triển kinh doanh dịch vụ. Khu nhà phố thương mại trong khu vực, được quy hoạch theo các lô đất dọc theo các trục đường Giảng Lắc, Hai Bà Trưng, đường 3/2 và các tuyến đường nội bộ khu đất. Khu cây xanh, vườn hoa được quy hoạch với diện tích 3.150m2 tại vị trí ngã 3 tiếp giáp với trục đường Trường Chinh, đường 3/2 và vị trí Đông Bắc khu đất, nhằm tạo cảnh quan cho khu quy hoạch và thuận lợi cho việc bố trí các dịch vụ vui chơi giải trí tại khu vực. Giải pháp thiết kế đường giao thông sẽ được mở rộng, đảm bảo mỹ quan và các tiêu chuẩn kỹ thuật giao thông, thoát nước, tránh ngập khi có thiên tai, bão lũ xảy ra... Tổng kinh phí đầu tư khu Trung tâm thương mại hơn 600 tỷ đồng. Đồng chí Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Trước khi Thành phố ra quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thương mại, dịch vụ tổng hợp Thành phố, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho chủ trương và thành lập Tổ công tác thực hiện phương án điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi Sân vận động tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai xây dựng Trung tâm thương mại Thành phố. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp tuyên truyền rộng rãi chủ trương chuyển đổi diện tích Sân vận động tỉnh để xây dựng khu Trung tâm thương mại, được hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng xây dựng phương án tháo dỡ công trình Sân vận động tỉnh, đảm bảo các quy định về an ninh trật tự, điều kiện thi công, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích Sân vận động tỉnh thành khu Trung tâm thương mại sẽ thu hút các Tập đoàn kinh tế lớn trong nước, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh ta, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách địa phương. Đồng thời, có tác động thúc đẩy trở lại đối với sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh; tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng, nâng trình độ sản xuất hàng hóa của nông dân theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

 

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới