Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

 

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) trao đổi với hội viên kỹ thuật thâm canh chè.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã xác định các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục cụ thể hóa theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; phấn đấu thực hiện cơ bản đối với các chức danh khác. Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định đến năm 2030, gồm: Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể là: Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cấp tỉnh từ 15-20% cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi, từ 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; cấp huyện từ 20-25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi; cấp xã 100% cán bộ chuyên trách có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an thực hiện theo quy định của ngành; từ 20-30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất kinh doanh hiệu quả; từ 20-25% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; có cán bộ nữ tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội, cán bộ nữ tham gia HĐND các cấp đạt trên 35%; cơ bản có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư. Tất cả các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan Nhà nước đều có cán bộ người dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ tại Đảng bộ tỉnh đã được triển khai theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; nhân sự được phê duyệt tham gia quy hoạch cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đảm bảo phương châm “động” và “mở”, đảm bảo về số lượng nguồn đưa vào quy hoạch, về tiêu chuẩn, điều kiện cơ cấu nữ, dân tộc thiểu số, độ tuổi.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thường xuyên cập nhật những kiến thức mới cho cán bộ đương chức và dự nguồn cấp ủy. Ban Thường vụ tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 600 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, bí thư các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc; mở 2 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho 150 đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Chỉ đạo cấp huyện mỗi huyện mở 1 lớp cán bộ dự nguồn cấp huyện với 906 học viên tham gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các đồng chí được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đa số đều trưởng thành về mọi mặt; nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn và được nhận công tác ở đơn vị mới, một số đồng chí giữ cương vị chủ chốt của huyện và các ban ngành; các đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, năng lực, trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ từng bước được nâng cao; khả năng lãnh đạo, quản lý; chất lượng công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới