Về miền quê cách mạng Mường Hung

Xã Mường Hung (Sông Mã) - vùng đất biên cương giàu truyền thống cách mạng, có Di tích lịch sử cấp tỉnh Cây đa Mường Hung là một chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp, là biểu tượng của sự kiên trung, bất khuất của nhân dân xã Mường Hung nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

 

Di tích lịch sử cây đa Mường Hung - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

 

Cây đa Mường Hung - chứng tích một thời máu lửa

 

Từ xã Chiềng Cang, sang tả ngạn sông Mã là tới Khu Di tích cây đa Mường Hung xum xuê tỏa bóng mát. Theo tài liệu của Bảo Tàng tỉnh và Lịch sử Đảng bộ xã thì Mường Hung thời kỳ thuộc Pháp là một tổng thuộc châu Mường Mụa (Mai Sơn ngày nay), bao gồm các xã: Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương, Mường Sai và Mường Hung, trụ sở đặt tại bản Mường Hung ngày nay. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng lâm thời xã Mường Hung được thành lập.

 

 

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ bản H8, xã Mường Hung.

 

Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Sơn La, khôi phục lại bộ máy chính quyền tay sai cũ và điên cuồng đàn áp phong trào kháng chiến ở Mường Hung. Năm 1948, chúng đã bắt 2 đồng chí quân báo là Lò Văn Địa, Cầm Văn Lùn thiêu sống dưới cây đa Mường Hung; gương hy sinh của các đồng chí đã cổ vũ thêm tinh thần ủng hộ kháng chiến, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Mường Hung. Không tiêu diệt được cơ sở kháng chiến, chúng bắt bớ tiêu diệt các cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta; bắt gia đình ông Inh, ông Linh, ông Số mang ra cây đa cạnh bờ sông Mã cắt cổ rồi thả xác trôi sông để uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân. Trong thời gian này, chúng đã giết hại 16 cán bộ chủ chốt, 9 bộ đội và 365 người dân lương thiện. Mặc dù bị đàn áp, tra tấn, bắn giết rất dã man, nhưng với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp và bọn tay sai bán nước, cán bộ và nhân dân Mường Hung vẫn một lòng theo cách mạng; tiếp tục nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ; đội du kích địa phương vẫn bí mật hoạt động uy hiếp quân địch. Đến ngày 24/12/1952, nhân dân và Đội du kích Mường Hung đã phối hợp với bộ đội chủ lực nhất tề đứng lên tấn công tiêu diệt đồn Mường Hung, lật đổ chính quyền tay sai của thực dân Pháp. Trong trận tấn công này, ta đã tiêu diệt 4 tên sỹ quan Pháp, 78 tên lính dõng, 32 tên phỉ, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch, Mường Hung hoàn toàn giải phóng.

 

 

Ông Vì Văn Nụi, bản Nà Cầm, xã Mường Hung kể về truyền thống cách mạng của gia đình với phóng viên.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm Di tích cây đa Mường Hung, đồng chí Đào Xuân Anh, Bí thư đảng ủy xã Mường Hung, cho biết: Những người thuộc thế hệ cha ông tham gia cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp ở xã Mường Hung nay chỉ còn đếm đầu ngón tay. Theo con đường bê tông, chúng tôi đến bản Nà Cầm thăm ông Vì Văn Nụi. Tuy đã 90 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn, kể cho chúng tôi nghe về truyền thống cách mạng của gia đình. Ông Nụi tự hào: Bố tôi là ông Vì Văn Ôi, Chủ tịch lâm thời kháng chiến xã Mường Hung; ngoài bố còn có bác và chú của tôi cũng tham gia hoạt động cách mạng, tích cực vận động nhân dân thực hiện nuôi giấu cán bộ, quyên góp lương thực, thực phẩm, vũ khí cho bộ đội và cả 3 đều bị giặc Pháp bắt. Nói đến đây, ông Nụi lặng người, đôi mắt đỏ hoe như kìm nén cảm xúc, mới kể tiếp: Ngày 8/2/1949 là một ngày tôi không bao giờ quên, bố tôi bị giặc Pháp đưa ra cánh đồng xử bắn cùng với ông Lò Văn Sam, rồi chúng chôn cùng một hố; khi đó gia đình chúng tôi và bà con trong bản chỉ biết khóc và nhìn từ xa; sau khi giặc đi rồi, chúng tôi vội lấy đất đắp chung mộ cho hai người. Mãi sau này có điều kiện mới xây thành hai mộ.

 

Viết tiếp bản hùng ca trên quê hương anh hùng

 

 

Vườn cây ăn quả của người dân xã Mường Hung.

 

Mảnh đất Mường Hung với ký ức đau thương nhưng hào hùng năm xưa, nay sầm uất với những ngôi nhà xây hiện đại và nhiều cửa hàng đầy ắp các loại mặt hàng, chợ trung tâm xã tấp nập người mua, bán. Những con đường từ trung tâm xã dẫn về các bản được đổ bê tông sạch sẽ; những triền đồi đang được phủ xanh bằng những vườn cây ăn quả, minh chứng cho một cuộc sống ấm no đang hiện hữu nơi đây. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Mường Hung luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Đồng chí Bùi Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, thông tin: Những năm qua, Đảng ủy xã luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn. Hiện, Đảng bộ xã có 444 đảng viên, sinh hoạt tại 46 chi bộ (41 chi bộ bản, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ Trạm y tế và 1 chi bộ Công an xã). Trong phát triển kinh tế, hằng năm, Đảng bộ xã ra nghị quyết đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đối với các bản vùng thấp chú trọng phát triển, cải tạo diện tích cây nhãn và phát triển các loại cây ăn quả và thâm canh lúa nước; còn các bản vùng cao, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nghề rừng...

 

5 năm qua, kinh tế của xã Mường Hung tiếp tục duy trì phát triển khá, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Nông dân trong xã đã chuyển đổi 432 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt trên 560 ha. Chăn nuôi tiếp tục được quan tâm phát triển, với tổng đàn gia súc 5.470 con, 51.600 con gia cầm; duy trì, phát triển 23 ha thủy sản. Công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 50 tỷ đồng. Hiện, thu nhập bình quân đạt 19,5 triệu đồng/người/năm.

 

 

Mô hình trồng nhãn trái vụ của gia đình ông Vũ Văn Liêm, bản H8.

 

Đi trên con đường bê tông kiên cố, sạch sẽ, chúng tôi đến bản H8- vựa nhãn của xã Mường Hung. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, hằng năm, bản H8 xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn nhãn chính vụ, nhãn chín sớm và nhãn trái vụ. Thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Vũ Văn Liêm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những cây nhãn đang ra hoa trái vụ. Ông Liêm giải thích: Để có thu nhập cao từ nhãn, gia đình tôi đã áp dụng kỹ thuật cho ra hoa rải ra làm 3 vụ/năm. Năm nay, với 1.000 gốc nhãn ghép cho thu hoạch 2 tấn nhãn chín sớm bán được giá trung bình 32.000 đồng/kg; 32 tấn nhãn chính vụ bán giá trung bình 12.000 đồng/kg; còn 100 cây nhãn trái vụ cho thu hoạch khoảng 9 tấn quả vào dịp Tết, thường bán giá 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Ngoài cây nhãn, gia đình tôi còn trồng 1.000 cây xoài Đài Loan, 400 cây bưởi da xanh và bưởi diễn, 300 cây chanh tứ mùa… tận dụng chỗ đất không trồng được cây ăn quả thì trồng cỏ voi duy trì nuôi 5 con bò. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình hơn 1,1 tỷ đồng; trừ chi phí thu lãi gần 600 triệu đồng/năm. Để mở rộng quy mô, tháng 12/2018, ông Liêm đã vận động một số người dân trong bản thành lập HTX Thành Công gồm 6 thành viên sản xuất 15 ha nhãn, 6 ha xoài, 1 ha bưởi theo quy trình VietGAP.

 

Đến bản Nà Lứa thăm mô hình trồng nhãn, ổi xen bưởi có hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới béc phun của gia đình anh Quàng Văn Hính, được anh chia sẻ: Gia đình tôi có 4 ha, trong đó 2 ha nhãn, mỗi năm cho thu hoạch 2 tấn nhãn chín sớm, 15 tấn nhãn chính vụ; 1 ha bưởi da xanh năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch; tận dụng khoảng đất trống giữa các hàng cây bưởi trồng 200 gốc ổi. Để giảm công tưới cho cây, gia đình đầu tư hơn 300 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây nhãn và 660 đầu béc phun cây bưởi và ổi. Ngoài ra, gia đình mới trồng thêm 900 gốc xoài Đài Loan. Tổng thu nhập gia đình gần 400 triệu đồng/năm. Hiện, anh Hính đang hướng tới thành lập HTX với 21 thành viên.

 

Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên tạo động lực cho thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Cùng với tập trung chỉ đạo việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 194 tỷ đồng, triển khai đầu tư xây dựng 18 công trình với tổng số vốn đầu tư là 36,1 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã đổ bê tông 18 tuyến đường nội bản, tu sửa 4 tuyến đường liên bản với tổng chiều dài 20 km. Đến nay 100% bản có đường giao thông đi lại được 4 mùa; có 25 bản có nhà văn hoá; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình y tế, làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân... Hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai rộng khắp.

 

Tự hào về truyền thống cách mạng với những ký ức lịch sử hào hùng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Hung càng quyết tâm đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, viết tiếp bản hùng ca trong chiến đấu và xây dựng Tổ quốc, cùng cất vang bản “Tình ca Tây Bắc” trên mảnh đất xanh mát bóng cây đa Mường Hung lịch sử, núi Mường Hung huyền thoại. Giai đoạn 2020-2025, phấn đấu xây dựng xã Mường Hung đạt chuẩn nông thôn mới. Xã cũng có kế hoạch trùng tu, xây dựng lại khuôn viên Di tích lịch sử cây đa Mường Hung; xây dựng thêm nhà trưng bày những kỷ vật, vật chứng lịch sử và những truyền thống, nét văn hóa địa phương để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới