Về Chiềng Xuân

Sau Tết Đinh Dậu, chúng tôi có dịp trở lại xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ. Từ trung tâm huyện, vượt quãng đường 30 km, chúng tôi được trải nghiệm nhiều cảnh quan thiên nhiên dọc hai bên đường: những vườn mận vừa qua kì nở hoa nhường chỗ cho những quả nhỏ chi chít trên cành, những cánh rừng nguyên sinh mang lại không khí trong lành... và con đường giống như dải lụa, uốn lượn bên các sườn đồi.

Mô hình nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyện, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ).

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Mùi Văn Thịnh, Bí thư  Đảng ủy xã Chiềng Xuân cho biết: Chiềng Xuân tuy chưa có sự bứt phá mạnh trong phát triển kinh tế, nhưng đời sống và sản xuất của nhân dân đang có sự thay đổi đáng kể. Một số hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế; đã có những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tăng quy mô đàn...

10 năm trước đây, năm 2007, Xuân Nha tách ra thành ba xã: Chiềng Xuân, Tân Xuân và Xuân Nha. Tên “Chiềng Xuân” được đặt cho xã có ý nghĩa là mùa xuân mang đến cuộc sống ấm no ở vùng núi mới. Chiềng Xuân có trên 7.400 ha đất tự nhiên, trong đó 1.281 ha đất sản xuất, xã có 614 hộ thuộc 5 dân tộc: Thái, Mường, Mông, Tày và Kinh cùng chung sống. Khi đó, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nguyên nhân là do hầu hết đất sản xuất đều là đất nương đã bạc màu, cùng với tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, hai con đường từ xã Chiềng Sơn và từ Xuân Nha đến Chiềng Xuân chỉ có cách duy nhất là đi bộ khi mùa mưa đến. Năm 2014, khi con đường nhựa đến xã được đưa vào sử dụng, đã có những chuyến xe vào xã thu mua nông sản và trao đổi hàng hóa, bà con đã thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Toàn xã có 1.140 ha trồng ngô, 123 ha lúa nương; chăn nuôi bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đàn vật nuôi của xã hiện có trên 14.000 con, trong đó, trên 2.100 con trâu, bò; hơn 1.500 con lợn hơn 2 tháng tuổi; 214 con dê và trên 10.600 con gia cầm.

Được chứng kiến một số mô hình kinh tế của bà con xã Chiềng Xuân, chúng tôi nhận thấy đánh giá của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là có cơ sở, tuy các mô hình kinh tế cho hiệu quả chưa nhiều nhưng đã chứng tỏ sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Vũ Minh Trang, bản Suối Quanh đúng thời điểm những cây cam, cây bưởi đang nở rộ hoa. Ông Trang vừa chăm sóc vườn cây, vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện chuyển đổi cây trồng: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, do đất bạc màu nên năng suất thấp. Năm 2012, một số hộ trong bản chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, tôi đã làm theo. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm sản xuất, hơn nữa lại không chủ động được nguồn nước tưới cho cây vào mùa khô nên cây phát triển kém. Sau đó, được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, tôi đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăm sóc cây, đồng thời khoan giếng lấy nước tưới cây. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình rộng 2 ha, sản lượng đạt trên 5 tấn quả/năm, trừ chi phí sản xuất thu trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Thăm mô hình nuôi lợn hàng hóa của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyện, bản Suối Quanh, khu chăn nuôi được xây dựng khoa học, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nuôi 6 con lợn nái và 42 con lợn thịt. Gia đình ông còn trồng 4 ha cây ăn quả gồm 1.000 cây nhãn và 100 cây xoài đã cho thu hoạch với sản lượng trên 30 tấn quả/năm, trị giá hàng trăm triệu đồng... Ngoài ra, trong xã còn có một số mô hình khác đạt hiệu quả kinh tế, như: Hộ ông Đinh Công Tường, bản Dúp Kén, đầu tư chăn nuôi 20 trâu, bò nhốt chuồng làm hàng hóa; gia đình ông Vàng A Páo, bản A Lang với mô hình trồng nhãn ghép, xoài và chăn nuôi 30 con trâu, bò, thu trên 150 triệu đồng/năm; gia đình ông Vàng A Trầu, bản Nậm Dên, trồng trên 2 ha dong riềng thu 100 triệu đồng/năm...

Cũng trong câu chuyện xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân trong xã, đồng chí Mùi Văn Thịnh tin tưởng vào hướng đi đã được xã lựa chọn, đó là: Tiếp tục vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa nương năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Với trên 6.200 ha rừng hiện có, xã tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ tốt để người dân có thêm thu nhập từ nghề rừng...

Chiềng Xuân đang chuyển mình theo hướng đi mới, mang lại niềm tin, hy vọng về cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân trong xã, chúng tôi tin, điều đó sẽ sớm thành hiện thực.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới