Vàng óng mật ong Chiềng Khay

Hương vị tinh khiết, màu vàng óng, đặc sánh, sản phẩm mật ong Chiềng Khay của Hợp tác xã Lò Mạnh Sáng, bản Có Nàng, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai), đã được trao chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Thành viên HTX Lò Mạnh Sáng giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng.

 

Vốn có lợi thế với diện tích rừng tự nhiên lớn, khí hậu ôn hòa cùng nhiều loại hoa rừng phong phú là điều kiện tốt để nuôi ong lấy mật ở xã Chiềng Khay. Trước đây việc nuôi ong ở đây nhỏ lẻ ở vài hộ, bà con chủ yếu tìm ong rừng để khai thác mật, nhưng việc lấy mật ong tự nhiên trên những vách đá rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng, Năm 2019, Hợp tác xã Lò Mạnh Sáng đã bổ sung nghề nuôi ong vào ngành nghề kinh doanh. Ban đầu, có nhiều khó khăn, do các thành viên chỉ chăm sóc đàn ong dựa vào kinh nghiệm dân gian nên sản lượng, chất lượng mật đạt thấp và thời gian bảo quản ngắn. Do đó, HTX đã đăng ký cho các thành viên và vận động người nuôi ong trong xã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong do Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các đoàn thể tổ chức. Qua các lớp tập huấn, HTX đã tìm ra phương pháp phù hợp, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ ong mật.

Ông Hoàng Văn Dung, bản Phiêng Bay, thành viên HTX Lò Mạnh Sáng, chia sẻ: Thay vì nhập mua các giống ong ngoại, tôi đã tìm cách để tạo được giống ong rừng thuần chủng, có khả năng đi tìm hoa thu mật trên phạm vi rộng và cho sản lượng, chất lượng mật ong cao hơn. Gia đình có 25 tổ ong, thời gian lấy mật chính hằng năm vào khoảng tháng 4-5 và tháng 10-11, trung bình mỗi lần thu được hơn 10kg sáp/tổ. Ngoài vụ chính, bình quân cứ 2-3 tháng, mỗi tổ cho thu 3-5 kg sáp. Với giá 150 nghìn đồng, bình quân thu về gần 100 triệu đồng/năm từ nuôi ong.

Nhờ hướng đi đúng, đến nay, Hợp tác xã Lò Mạnh Sáng có 12 thành viên nuôi ong, đồng thời, HTX đã liên kết với 8 nuôi ong khác trong xã để tiêu thụ sản phẩm. Với tổng số hơn 200 đàn ong, mỗi năm cho hơn 2.000 lít mật, cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Với giá 400 nghìn đồng/lít, bình quân doanh thu mỗi năm đạt 800 triệu đồng. Tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) HTX đã được hỗ trợ 300 triệu đồng để thuê đơn vị tư vấn phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem điện tử...; lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng. Ngoài ra, đơn vị còn được tạo điều kiện tham gia trưng bày tại gian hàng OCOP ở Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Quỳnh Nhai và bày bán tại các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh.

  

Sản phẩm mật ong Chiềng Khay của HTX Lò Mạnh Sáng.

Chị Hoàng Thị Thiên, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm 2020, Hợp tác xã đã đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng khu nuôi, sơ chế mật. Mật ong được trải qua quy trình vắt mật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được nguyên chất, không lẫn đường mía, nếu bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 200C sẽ sử dụng được vài năm. Việc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho HTX mở rộng thị trường. Hiện, chúng tôi có đại lý phân phối sản phẩm tại một số huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, ngoài việc mở rộng quy mô đàn ong, HTX Lò Mạnh Sáng dự định phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mật ong ngâm gừng, ngâm tam thất, sữa ong chúa..., đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, như: Máy quay ly tâm, máy hạ thủy phần... giúp tăng thu nhập cho người dân và nâng tầm thương hiệu Mật ong Chiềng Khay trên thị trường.

Thủy Tiên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới