Tỷ phú vùng biên

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, vượt qua bao nhọc nhằn, vất vả, anh Lò Văn Châu, Giám đốc HTX Châu Thinh đã trở thành tỷ phú vùng đất biên cương Mường Và, huyện Sốp Cộp, tạo điều kiện cho người dân cùng vươn lên.

 

Giám đốc HTX Châu Thinh (đứng giữa) giới thiệu kho lạnh bảo quản long nhãn.

 

Tiếp chúng tôi tại xưởng sơ chế nông sản của HTX Châu Thinh, anh Lò Văn Châu trải lòng: Bố tôi là người dân tộc Lào, là bộ đội từng làm nghĩa vụ bên nước bạn Lào. Năm 1988, tôi 18 tuổi, tự nguyện xin đi bộ đội và được biên chế về Đồn Biên phòng Chiềng On (Yên Châu). Một năm sau, được chuyển ra Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh công tác và được cử đi học sĩ quan.

Giọng anh Châu trở nên trầm buồn: Năm 1989, không may mẹ tôi mất sớm, sau tôi còn 5 người em. Hoàn cảnh gia đình khi đó cực kỳ khó khăn, em gái lớn đang học lớp 7, em út mới 7 tuổi. Thương các em, năm 1991, tôi xuất ngũ, trở về nhà chăm lo cho các em ăn học. Với chiếc xe đạp, sáng nào tôi cũng chất đầy hàng tiêu dùng: Mỳ tôm, bánh kẹo, thuốc lá, thuốc lào... thồ lên bán cho bà con các xã Mường Lầm, Bó Sinh. Ròng rã 2 năm, tôi tích cóp được một khoản để làm ngôi nhà sàn 3 gian lợp ngói, có tiền cho các em ăn học.

Sau gần 3 năm làm công nhân tại công ty ở địa phương, anh Châu bén duyên với nghiệp buôn bán nông sản, đứng ra làm đầu mối thu mua thóc của bà con cho các doanh nghiệp. Năm 1994, trong những lần đi thu mua nông sản, anh gặp gỡ và kết duyên với cô gái Lào, vợ chồng hợp sức đồng lòng lập nghiệp. Ngoài mua, bán thóc, vợ chồng anh vay ngân hàng mở cửa hàng tạp hóa, cung ứng phân bón, giống cây trồng trả chậm và bao tiêu nông sản cho bà con. Vất vả là thế, nhưng vợ chồng anh đã nuôi được các em ăn học đầy đủ, đến giờ có việc làm ổn định. Anh Châu tâm sự: Cuộc sống có cực nhọc đến mấy, giờ thấy các em được ăn học đầy đủ, thành đạt là tôi mãn nguyện.

 

Anh Lò Văn Châu kiểm tra sắn đang phơi.

Với quyết tâm làm giàu, năm 2012, anh Châu thành lập HTX nông nghiệp Tuấn Tiến, chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp, đầu tư xây dựng nhà xưởng diện tích 2.000m² để sơ chế nông sản, trạm cân tải trọng lớn cùng hệ thống băng tải, máy xúc, máy tuốt, máy tời và hơn chục xe tải lớn, nhỏ. Anh còn xây lò sấy sắn, công suất 100 tấn/ngày, 2 lò sấy ngô công suất 100 tấn/ngày. Mỗi năm, cung ứng hàng trăm tấn phân bón, hàng chục tấn ngô, lúa giống và bao tiêu hàng trăm tấn thóc, hàng chục nghìn tấn ngô, sắn cho người dân trong vùng.

Kho chứa ngô bắp của HTX Châu Thinh.

Dám nghĩ, dám làm, năm 2013, anh Châu đầu tư trồng ngô, sắn và xây dựng các công trình tại hai huyện Mường Son và Viêng Thon, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Kinh doanh và sản xuất không thành công, đến năm 2017, anh phải bán hết số tài sản để trả nợ. Trở về địa phương, anh vay mượn để tiếp tục nghề sơ chế, bao tiêu nông sản, lập lại sự nghiệp. Đầu năm 2020, anh Châu quyết định thành lập HTX nông nghiệp Châu Thinh, với 8 thành viên, đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng kho lạnh với diện tích 52 m² và 3 lò sấy long nhãn hơi nhiệt đảm bảo sạch, an toàn. Trong vụ nhãn vừa qua, HTX Châu Thinh thu mua gần 500 tấn nhãn của bà con huyện Sốp Cộp, Sông Mã và Mai Sơn. Hằng năm, cung ứng từ 600-700 tấn phân bón các loại, hơn 25 tấn ngô giống, 7 tấn thóc giống cho bà con trên địa bàn; bao tiêu, sơ chế 10.000 tấn ngô bắp, sắn và 300 tấn thóc cho bà con trong và ngoài huyện. Nông sản sau sơ chế được xuất thẳng về cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Sau khi trừ chi phí, HTX thu lãi từ 1,1 đến 1,2 tỷ đồng/năm. HTX còn tham gia trồng rừng kinh tế, với quy mô 25 ha rừng thông, bạch đàn.

HTX nông nghiệp Châu Thinh tạo việc làm thường xuyên cho 25 người, với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho trên 50 người, với ngày công từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày. Anh Lò Văn Anh, bản Mường Và, xã Mường Và, nói: Vợ chồng tôi được HTX tạo việc làm ổn định với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi yên tâm làm việc, lo cho con ăn học đầy đủ.

Cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Lò Văn Châu.

Còn bà Lò Thị Xuyến, bản Mường Và, cho biết: Mùa nhãn hằng năm, bà con bản tôi ra tận Sông Mã để bóc long nhãn thuê. Năm nay, nhờ HTX, chúng tôi có việc làm ngay tại địa phương. Không chỉ tạo việc làm, gia đình anh Châu còn giúp bà con vay tiền mỗi khi cần mà không tính lãi hoặc có thể trả bằng nông sản đến vụ thu hoạch.

Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: HTX Châu Thinh đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của xã, giúp người dân tiêu thụ nông sản và tạo việc làm ổn định cho bà con trên địa bàn xã; nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội.

Chia tay chúng tôi, anh Châu nói: Hai con tôi, một cháu đã tốt nghiệp cử nhân kế toán và một cháu đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đang cùng bố quản lý điều hành HTX Châu Thinh. Tôi mong muốn được tạo điều kiện vay thêm vốn để mở rộng đầu tư HTX vừa làm giàu cho gia đình, vừa đóng góp cho sự phát triển của quê hương Sốp Cộp.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới