Tường Thượng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Trở lại Tường Thượng, xã di chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà, chúng tôi được đồng chí Lò Văn Lĩnh, Bí thư đảng ủy xã thông tin về những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, nổi bật là mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, từng bước giúp bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình anh Lê Văn Mến, bản Khoa 2, xã Tường Thượng (Phù Yên).

Sau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tường Thượng nằm trong vùng bán ngập, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Mùa nước hồ dâng, xã bị chia tách thành hai khu, địa hình phức tạp, đồi núi có độ dốc lớn, bạc màu. Trong khoảng thời gian dài, kinh tế của xã chậm phát triển và là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện. Vượt lên những khó khăn, hạn chế về điều kiện tự nhiên, xã đã vận động bà con đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế của địa phương. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc, đem lại hiệu quả kinh tế khá. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bà con đã từng bước chuyển sang chăn nuôi tập trung, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng đất bạc màu, đất trống để trồng cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông theo dõi, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, chủ động tiêm phòng để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Hiện, tổng đàn trâu, bò của xã duy trì ổn định trên 4.300 con.

Chúng tôi đến bản Khoa 2, bản có nhiều mô hình chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn. Trong đó phải kể đến trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lê Văn Mến, nằm bên quốc lộ 43, trang trại có 130 con bò, 30 con trâu, mỗi năm cho lợi nhuận 600 - 700 triệu đồng. Anh Mến cho biết: Từ chăn nuôi quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, năm 2008, anh dùng tiền tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện mở trang trại nuôi trâu, bò lấy thịt và con giống. Anh tích cực học tập, tham khảo kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn và các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn... để trang bị kiến thức chăm sóc đàn vật nuôi đảm bảo sinh trưởng tốt, không mắc bệnh. Không chỉ đem lại lợi nhuận cao, mô hình chăn nuôi của anh còn tạo việc làm cho 7 lao động, với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng ở bản Khoa 2, còn có mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của gia đình ông Lê Văn Triển, một trong những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Với kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi bò, trang trại của gia đình ông đã trở thành một trong những địa chỉ cung cấp giống bò uy tín cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Với quy mô từ 300 - 400 con bò, gia đình đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5-6 lao động. Bò thương phẩm của gia đình ông được thương lái đến tận nơi mua, trung bình, cứ 2 tháng xuất một lứa, mỗi lứa khoảng 20 con, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi gần 800 triệu đồng.

Trao đổi với Bí thư đảng ủy xã Lò Văn Lĩnh được biết, những mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa trên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, được bà con đến học tập và làm theo. Điều đáng nói là, khi kinh tế của các hộ gia đình phát triển, tinh thần “lá lành đùm lá rách” được phát huy, các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi đã đóng góp hàng chục triệu đồng mỗi năm để xây dựng, tu sửa các công trình giao thông, thủy lợi, lớp học, đóng góp vào quỹ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của xã và hỗ trợ, động viên, khuyến khích các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân; sự quan tâm hỗ trợ, định hướng kịp thời, hiệu quả của chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện, những mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Tường Thượng không những góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững, mà còn nâng cao thu nhập, giảm nhanh số hộ nghèo của xã.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới