Trái ngọt trên cao nguyên

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Mộc Châu đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... Đến nay, hàng nghìn ha đất dốc, triền đồi, sản xuất kém hiệu quả đã được phủ màu xanh cây trái, đem lại thêm những mùa quả ngọt trên vùng đất cao nguyên.

 

 

Mô hình trồng dâu tây trong nhà kính của Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam tại bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu).

 

Những ngày đầu năm, trang trại dâu tây Chimi, bản Áng, xã Đông Sang luôn tấp nập khách ghé thăm bởi đây cũng là thời điểm chính vụ dâu tây. Những trái dâu tây căng mọng, nổi bật trên nền lá xanh mướt giữa trang trại rộng 3,5 ha được các nhân viên tích cực thu hoạch. Anh Nguyễn Công Toàn, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam, cho biết: Chỉ tính từ đầu tháng 12/2020 đến nay, trang trại đã thu hoạch gần 2 tấn dâu tây. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm quả, đáp ứng nhu cầu thị trường, Công ty sản xuất theo mô hình nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt bán tự động, hướng tới tự động hoàn toàn trong thời gian tới; 100% diện tích trồng dâu tây được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt từ 8-9 tỷ đồng; tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

 

Trang trại cây ăn quả của HTX nông nghiệp, du lịch và dịch vụ Hưng Sơn tại bản Lùn, xã Mường Sang cũng đang rộn ràng vụ táo ngọt, bưởi thơm. Nhìn những vườn cây ăn quả sai trĩu đang vươn mình giữa thung lũng, ít ai có thể tưởng tượng được rằng, nơi này trước kia chỉ là 1 vùng đất khô cằn, với một phần nhỏ diện tích được người dân trồng ngô, lúa.

Ông Ngô Phạm Thưởng, Giám đốc HTX, cho biết: Nhận thấy tiềm năng của các loại cây ăn quả, 10 thành viên HTX đã liên kết để xây dựng mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ kết hợp hoạt động du lịch sinh thái. HTX hiện có 4,5 ha trồng các loại cây ăn quả, gồm: 600 cây dừa, 450 cây na Thái, 350 cây táo Thái, 250 cây nhãn, 200 cây cam, 200 cây bơ, trên 500 cây ổi, đu đủ, bưởi da xanh, hồng xiêm, táo đỏ, đu đủ... Năm 2020, HTX thu hoạch hơn 3 tấn quả các loại, sản phẩm quả của HTX chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm hái quả và thưởng thức tại vườn. Trung bình mỗi năm, doanh thu HTX đạt từ 1 đến 1,2 tỷ đồng.

 

 

Trải nghiệm hái quả tại HTX nông nghiệp, du lịch và dịch vụ Hưng Sơn, bản Lùn, xã Mường Sang (Mộc Châu).

 

Cao nguyên Mộc Châu ngoài cây chè, bò sữa, giờ đây đã có thêm nhiều loại cây ăn quả, “mùa nào thức nấy”, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để khai thác tối đa những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý, những năm qua, huyện Mộc Châu đã khuyến khích các hộ dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tích cực chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; triển khai hiệu quả phương pháp phát triển nông nghiệp mới, như sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi tiêu thụ quả an toàn...

Trong năm 2020, toàn huyện đã chuyển đổi 1.147 ha cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả hiện có lên 10.200 ha; sản lượng quả đạt trên 47.300 tấn, trong đó có 603,5 ha diện tích đất sản xuất theo hướng hữu cơ. Nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng, với 274,7 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; 36,35 ha diện tích nhà lưới, nhà kính.

Huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thành lập các HTX, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quả. Đến nay, toàn huyện có 23 chuỗi tiêu thụ quả an toàn với tổng diện tích 336,9 ha; sản lượng quả tươi liên kết theo chuỗi đạt trên 3.400 tấn/năm. Bên cạnh đó, huyện duy trì 10 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với diện tích 92,5 ha (nhãn, xoài, mận hậu, bơ); duy trì 17 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của các tổ chức, cá nhân với 631 ha (nhãn, xoài, chuối).

 

Với hướng đi này, trong thời gian tới, Mộc Châu có thể trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả ứng dụng công công nghệ cao của tỉnh Sơn La theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Mộc Châu sẽ có thêm nhiều sản phẩm quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trong hành trình phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.

 

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới