Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Y tế cần lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu quan trọng nhất

Chiều 12/1 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017 tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 700 điểm cầu tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thành tựu chung của cả nước năm 2016, có sự đóng góp quan trọng của ngành Y tế với nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả toàn diện, cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý ngành và không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

  

Đánh giá cụ thể kết quả công tác năm 2016 của ngành, Thủ tướng chỉ rõ, ngành Y tế đã làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra bằng các biện pháp chủ động, quyết liệt; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, trong đó, cơ sở vật chất các cơ sở y tế được nâng cấp. Trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được nâng lên, mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng, tăng cường kiểm tra, cải tiến, đánh giá chất lượng bệnh viện, thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách, y đức trong toàn ngành được nâng cao.

Thủ tướng bảy tỏ: Chúng ta tự hào về đội ngũ y bác sỹ nổi tiếng, được coi là những bàn tay vàng ở Việt Nam, có tầm khu vực và quốc tế. Nhiều tấm gương tận tụy, lăn lộn với công việc, chữa bệnh cho người nghèo của đội ngũ bác sỹ, bác sỹ quân y mang tính nhân văn sâu sắc. 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều trị được chú trọng với nhiều kỹ thuật cao được áp dụng thành công. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt trên 81%, vượt mục tiêu của năm 2020 đã đề ra, vượt 4 năm so với chỉ tiêu. Thủ tướng biểu dương Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cấp ủy, chính quyền các địa phương về thành tựu này.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, vấn đề đổi mới cơ chế kinh tế tài chính y tế theo hướng tự chủ, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh gắn gới lộ trình BHYT toàn dân được triển khai tốt, hướng đến người nghèo, người sinh sống tại vùng sâu vùng xa. Công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm có bước tiến bộ; hoàn thiện được cơ chế mua sắm thuốc đấu thầu. Ngành Y tế đã chủ động phát động tinh thần biết ơn, phục vụ bệnh nhân trong các cơ sở y tế và đã quyết liệt xử lý trên 6.000 cán bộ y tế vi phạm đạo đức nghề y.

Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng gửi lời tri ân đối với sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế từ thôn bản đến trung ương. Những người anh hùng áo trắng đã không quản ngại khó khăn gian khổ để đem lại sự sống, niềm vui, tiếng cười và sức khỏe cho người dân.

Với tinh thần nói thẳng, nói thật, chỉ ra 9 bất cập cần khắc phục của ngành Y tế, Thủ tướng nêu rõ: Tình trạng quá tải bệnh viện chưa được giải quyết căn bản, vẫn là bức xúc xã hội hiện nay; vẫn còn để xảy ra sự cố đáng tiếc, sai quy trình, liên quan đến trình độ, năng lực của y, bác sỹ, nhiều vụ để lại hậu quả đau lòng. Công tác quản trị bệnh viện còn bất cập, tình trạng độc quyền cung cấp hạ tầng bệnh viện như taxi, ăn uống, an ninh, an toàn trong bệnh viện…vẫn diễn ra. Cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng người nhà bệnh nhân xếp hàng rồng rắn để đợi đóng tiền; tình trạng bệnh viện yêu cầu người nhà bệnh nhân nộp tiền tạm ứng lắt nhắt gây khó khăn cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc xây dựng bệnh viện trung ương tuyến cuối vẫn chậm tiến độ; lĩnh vực quản lý dược phẩm và mua sắm trang thiết bị y tế còn bất cập, vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, không minh bạch, ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân và Nhà nước; trách nhiệm quản lý ngành Y tế còn bất cập, bị lợi dụng gây thất thoát lớn cho ngân sách.

Vẫn còn hiện tượng vô cảm trước nỗi đau của người bệnh của một bộ phận cán bộ trong ngành y. Đây là những hành vi không chỉ tổn hại y đức mà còn làm trái lại lời dạy của Bác Hồ: "Thầy thuốc như mẹ hiền". Giá thuốc cũng còn nhiều vấn đề bất cập, làm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bức xúc.

Mong muốn ngành Y tế khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới cách nghĩ cách làm, phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu của người dân, Thủ tướng đề nghị lấy công tác y tế cơ sở, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho từng người dân làm trọng tâm công tác của ngành Y tế trong năm 2017.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở điều trị cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân từ những khâu đơn giản nhất như thủ tục, xếp hàng lấy số, quy trình điều trị; công khai kết quả đánh giá chất lượng hoạt động của bệnh viện để cơ quan bảo hiểm và người dân được biết và lựa chọn vì đó là quyền của người dân.

Tích cực thực hiện đề án tăng cường chất lượng xét nghiệm, thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối.

Bộ Y tế phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển y tế ngoài công lập, thí điểm hình thành cơ sở khám bệnh theo hình thức hợp tác công tư và mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích, không phân biệt bệnh viện tư nhân và bệnh viện Nhà nước.

Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân, mở rộng bao phủ BHYT đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ. Đẩy nhanh áp dụng tin học hóa BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc…

Tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu hàng loạt câu hỏi lớn đối với ngành Y tế như: Ai cũng nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng trên thực tế người dân Việt Nam vẫn còn suy nghĩ có bệnh rồi mới chữa bệnh, có đúng không? Nếu làm tốt khâu phòng ngừa, chi phí y tế sẽ giảm đáng kể tới mức độ nào? Tại sao người giàu lại ra nước ngoài khám và chữa bệnh đông như vậy. Ngành Y tế phải nêu giải pháp cho vấn đề này.

Nhiều bệnh viện tuyến dưới, tuyến cơ sở, tuyến huyện vẫn được Nhà nước đầu tư, nhưng lại ít có người khám, ai cũng muốn lên tuyến trên khám, vậy nguyên nhân vì sao và biện pháp nào? Chúng ta tôn trọng quyền tự do lựa chọn nơi khám bệnh, vậy giải pháp nào để người dân tự thấy rằng khám tuyến dưới có lợi hơn, hiệu quả hơn là khám vượt tuyến? Hiện tại hệ thống trạm y tế xã đã phủ khắp, nhưng vẫn chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả, vì thế, Bộ Y tế cần làm gì để có giải pháp đổi mới toàn diện hệ thống trạm y tế xã?

Nhiều bệnh viện ở một số thành phố lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội thường xuyên quá tải vì phải gánh thêm người nhập cư, người dân các tỉnh lân cận đổ về khám chữa bệnh và ngân sách dành cho y tế các địa phương này vô hình đã bao cấp chéo cho người dân tỉnh khác có đúng không. Giải quyết vấn đề bao cấp chéo như thế nào?

Nhiều người có tiền không chấp nhận cung cách và thái độ phục vụ mang tính ban ơn, thậm chí đôi khi coi thường bệnh nhân, tư duy quản lý bệnh viện và phục vụ bệnh nhân do vậy cần thay đổi. Thủ tướng nêu một vấn đề lớn cho toàn ngành Y tế: Chuyển từ tư duy bao cấp qua hàng chục năm sang tư duy kinh tế thị trường, đặc biệt, coi bệnh nhân là khách hàng quan trọng, cần phải xem bệnh nhân là khách hàng và cần chăm sóc khách hàng theo đúng nghĩa của từ này. Bộ Y tế đã khơi dậy vấn đề này nhưng chưa có tính phổ biến, vậy phải xử lý ra làm sao? Tại sao nhiều người nghiên cứu nói rằng Việt Nam tỷ lệ ung thư cao nhất, có đúng không?...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe những vấn đề đặt ra với ngành Y tế để làm sao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tiếp thu chỉ đạo cũng như các câu hỏi của Thủ tướng, thay mặt 500.000 cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y  tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sẽ nỗ lực giải đáp, dù rằng có câu hỏi chưa thể trả lời được ngay.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một trong những nhiệm vụ được ngành Y tế tập trung triển khai trong năm 2017 là tiếp tục triển khai Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Kế hoạch có 7 nhiệm vụ chính gồm: Tập huấn kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; Triển khai nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện (chăm sóc "khách hàng"); Triển khai quy định trang phục của cán bộ y tế; Tiếp tục thực hiện "đường dây nóng";  Duy trì, củng cố hòm thư góp ý; Triển khai Đề án "Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện" và Xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực. Bộ cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; động viên, khen thưởng kịp thời các trường hợp điển hình, tiên tiến trong ngành.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới