Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính

Những năm qua, công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; năng lực, trình độ, trách nhiệm của chấp hành viên và công chức thi hành án dân sự được nâng cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan liên quan được tăng cường; một số vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài đã được thi hành dứt điểm, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thi hành án dân sự, hành chính của một sổ cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, sâu sát; một số ban chỉ đạo thi hành án dân sự hoạt động chưa hiệu quả; công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, hành chính có lúc, có việc chưa tích cực, thiếu chặt chẽ và đồng bộ; số lượng án có điều kiện thi hành nhưng chưa tổ chức thi hành xong còn chiếm tỷ lệ cao; một số vụ việc giá trị phải thi hành lớn, phức tạp nhất là các vụ việc liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, phá sản chưa được giải quyết dứt điểm, còn kéo dài, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nhà nước. Chỉ tính riêng năm 2019, về thi hành án dân sự, toàn tỉnh có 7.427 việc phải thi hành, qua xác minh phân loại, có 6.625 việc có điều kiện giải quyết, 802 việc chưa có điều kiện giải quyết; trong số việc có điều kiện giải quyết đã giải quyết xong 5.751 việc. Thi hành án về tiền, tổng số tiền phải thi hành là hơn 380 tỷ 631 triệu đồng (hơn 294 tỷ 230 triệu đồng có điều kiện giải quyết, 86 tỷ 401 triệu đồng chưa có điều kiện giải quyết); trong số tiền có điều kiện giải quyết, chỉ giải quyết xong gần 79 tỷ 843 triệu đồng, đạt tỷ lệ hơn 27%.

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn; xác định đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn công tác thi hành án dân sự, hành chính với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tể - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Tăng cường đối thoại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng để đảm bảo khả năng thu hồi tiền, tài sản trong thi hành án.

 

Các cơ quan hành chính nhà nước, UBND các huyện, thành phố nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý hành chính nhà nước; căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác thi hành án dân sự, hành chính; tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính có liên quan đến lĩnh vực ngành, cơ quan mình; thực hiện đúng các quy định và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn tránh, cản trở, chống đối việc thi hành án.

 

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, tích cực xác minh, phân loại và tổ chức thi hành án hiệu quả; giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành, không để tồn đọng kéo dài; các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là những vụ việc, vụ án dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.

 

Cùng với đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Thường xuyên tổ chức học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thi hành án; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án có bản lĩnh, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp về thi hành án dân sự, hành chính, trong đó coi trọng công tác đối thoại, vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành; giải quyết kịp thời, đúng quy định các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, hành chính.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới