Sức sống Trường Sa: Kỳ 3: Tô thắm truyền thống người chiến sĩ Hải quân

Tổ quốc là một khối thống nhất, trọn vẹn, thiêng liêng với đất liền, biển trời, hải đảo. Những chiến sĩ Hải quân tự hào với truyền thống quân đội Anh hùng; vững vàng, dũng cảm, tự tin chắc tay súng, giữ vững lời thề trước tổ tiên, trước sự hy sinh vì Tổ quốc của bao cán bộ, chiến sĩ, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp tục tô thắm lá cờ đỏ sao vàng kiêu hùng.

Lễ chào Cờ trên đảo Sinh Tồn.

Tri ân những người anh hùng

Trong hải trình đến các đảo, đoàn công tác và anh em phóng viên dừng lại tại vùng biển giữa cụm đảo Cô Lin, Len Đao. Cụm đảo này chỉ cách nhau vài ba hải lý, cách đây 31 năm (ngày 14/3/1988), vì sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân thân yêu của chúng ta đã kiên cường chiến đấu; 64 cán bộ, chiến sĩ thuộc các tàu 604, 605, 505 và chiến sĩ đoàn công binh 83 đã hy sinh anh dũng. Sự hy sinh của các anh đã được ghi tạc vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc; là ngọn lửa thiêng bừng cháy mãi mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đoàn công tác tập trung tại khu vực boong tàu để tổ chức Lễ tưởng niệm. Trong âm hưởng bi hùng của bản nhạc “Hồn tử sĩ”, Trưởng đoàn công tác, Thượng tá Lê Đình Hải, Phó chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146, nghiêm trang, xúc động đọc lời tưởng niệm, trong đó có đoạn: “...Máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất mẹ Việt Nam. Sự hy sinh của các anh đời đời các thế hệ người Việt Nam ghi lòng tạc dạ. Hôm nay, chúng tôi có mặt ở đây, tại vùng biển này tưởng niệm các anh. Xin kính cẩn, nghiêng mình, gởi cùng khói hương bay theo gió, theo mây, hòa trong tiếng sóng mang đến các anh những tình cảm yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc của tất cả chúng tôi. Xin các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi thề giữ đảo, giữ biển, giữ trời của chúng ta, để sự hy sinh của các anh không bao giờ vô nghĩa...”

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh trên quần đảo Trường Sa.

Trong tiếng sóng ầm ào, trong không gian mênh mông trời biển, mắt ai cũng đỏ hoe, đây đó đã nghe tiếng sụt sùi, nấc nghẹn, nhiều người đã khóc, chúng tôi cũng chẳng thể cầm lòng. Dường như vẫn còn vẳng lại lời kêu gọi kiên định của Thiếu úy Trần Văn Phương vọng về từ lòng đại dương sâu thẳm: “Anh em, thà hy sinh, quyết không để mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”... kết thúc Lễ tưởng niệm, lãnh đạo đoàn công trang trọng thả vòng hoa viếng xuống biển cả; mọi người ai nấy đều thành kính thả lễ vật, hương hoa xuống biển, thể hiện hành động tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo quê hương, mang theo thông điệp gởi người đã khuất: Phẩm chất cao quý, chí khí anh hùng của các anh đời đời bất diệt; nguyện cầu cho linh hồn các anh được siêu thoát; mang lại bình yên cho đất nước, dân tộc cũng như những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo, điểm đảo, ngày đêm đối mặt với gian lao, thử thách và hiểm nguy nhưng vẫn ngời sáng tinh thần cách mạng và ý chí của những người lính Hải quân Anh hùng.

Tự hào chiến sĩ Hải quân

Trong hải trình theo kế hoạch lần này, tàu HQ-561 còn chở theo cán bộ, chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo quê hương. Từ những sĩ quan dạn dày sương gió đến các chiến sĩ trẻ ai nấy đều đều xúc động, nhưng vinh dự, tự hào được đảm trách nhiệm vụ trong môi trường mới. Niềm tin tưởng, sự tự hào, vinh dự thể hiện rạng ngời trên từng khuôn mặt, tỏ rõ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trò chuyện với chiến sĩ Trần Văn Bình khi anh chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại đảo chìm Đá Lớn A, được biết Bình quê ở tỉnh Bình Định, mới nhập ngũ được 1 năm. Từ bé, ước mơ cháy bỏng của Bình là được khoác trên mình bộ trang phục Hải quân. Sau khi tốt nghiệp THPT, Bình liền viết đơn tình nguyện nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện tại Lữ đoàn 146, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Bình tự hào được chọn lên đường làm nhiệm vụ. Trước khi chia tay, Bình rắn rỏi: Đợt này em ra nhận nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn A, thuộc huyện đảo Trường Sa. Dù chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng em tin tưởng mình sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Là thanh niên, em thấy mình có trách nhiệm trước quê hương, đất nước, Tổ quốc thân yêu, biết bao thế hệ đã không tiếc xương máu để gìn giữ.

Chiến sĩ đảo Phan Vinh tuần tra bảo vệ đảo.

Đó có lẽ là quyết tâm, niềm tin mãnh liệt không chỉ của những người lần đầu nhận nhiệm vụ tại đảo xa như Trần Văn Bình, mà còn là quyết tâm của tất cả cán bộ, chiến sĩ Hải quân và những người làm công tác khác trên quần đảo Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, miền viễn hải xa xôi này, chúng tôi nhận thấy hầu hết các chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, dù mỗi người một quê, nhưng với họ tất cả đã là ruột thịt, đã là anh em, đồng chí, đồng đội. Với các anh, “biển là nhà, hải đảo là quê hương”, là nơi hội tụ mối đoàn kết, ý chí, niềm tin son sắt dù hy sinh vẫn quyết tâm gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tại đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh, Thuyền trưởng “con tàu không số” huyền thoại của con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển - chúng tôi được nghe câu chuyện rất đặc biệt của Trung tá Tiên Quang Sự, Chính trị viên đảo Phan Vinh, anh bảo: Ngôi nhà chung của chúng tôi là đảo. Ở đây chúng tôi thực hiện 10 cùng (cùng huấn luyện, cùng tăng gia, cùng thể thao, cùng hát, ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng, cùng thương yêu đồng đội, cùng nỗi nhớ đất liền, nhớ gia đình, bạn bè và cùng sứ mệnh vinh quang nơi đầu sóng, ngọn gió). Trong công tác huấn luyện, những người chỉ huy phải như những người cha, người chú chỉ bảo các con, các cháu từng li, từng tí, không hề có khoảng cách giữa sĩ quan và chiến sĩ. Chúng tôi tâm niệm, huấn luyện các chiến sĩ thật giỏi, thật bản lĩnh thì khi xảy ra chiến sự, anh em sẽ thuần thục kỹ năng chiến đấu, kỹ năng sống, tồn tại giữa trùng khơi. Còn người là còn đảo, đó là chân lý. Nói anh mừng, các cháu giỏi lắm, các thao tác “giữ đảo” cực kỳ chuẩn xác, nhanh nhẹn...

Còn trong câu chuyện thân mật với Đại úy Đỗ Văn Diễn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn A, anh giãi bày với chúng tôi: Là cán bộ, chiến sĩ Hải quân, muốn được dân mến, Đảng tin thì mình phải sống trọn niềm tin với Tổ quốc, với nhân dân. Càng khó khăn gian khổ, càng phải thêm vững niềm tin, làm tròn bổn phận chức trách, nhiệm vụ. Bây giờ, cuộc sống nơi đảo xa đã được cải thiện rất nhiều, song không phải đã hết những gian nan, thử thách, khó khăn vất vả. Không phải chỉ đối mặt với thừa nắng, thừa gió, nhưng thiếu rau xanh, nước ngọt, thiếu vắng bạn bè, người thân trên đất liền..., nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người chiến sĩ Hải quân cũng không cho phép dao động tư tưởng, lơi lỏng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Chúng tôi đã và đang quyết tâm xây dựng mỗi điểm đảo thực sự là một pháo đài vững chắc trên biển; cán bộ, chiến sĩ luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tự hào giữ vững tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng.

Có đến với các anh, sống với các anh, chia sẻ với các anh, chúng tôi mới hiểu thêm cái sâu xa trong câu chuyện các anh tâm sự. Cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi đã là một đại gia đình. Biển đã gói trọn trong sâu thẳm nghĩa tình, chất sống con người Việt Nam.

Một điểm đặc biệt nữa trong hải trình lần này, là chúng tôi được chứng kiến tình cảm và sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân và các lực lượng đóng quân trên đảo cũng như người dân. Mối quan hệ mật thiết đó từ lâu đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những con người đang ngày đêm bám biển giữa trùng dương sóng gió. Chỉ tính trong năm 2018, các đảo đã hỗ trợ ngư dân hàng chục nghìn lít nước ngọt, tiến hành khám chữa bệnh và cấp thuốc cho hàng nghìn lượt ngư dân, giúp hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân tránh trú bão an toàn... Chính những việc làm đó, tạo thêm niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản, ổn định đời sống. Tại đảo Sinh Tồn, chúng tôi được ngư dân Đinh Văn Lực, Thuyền trưởng tàu cá QN-96435 của tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Khi đang đánh bắt trên ngư trường Trường Sa (cách đảo Sinh Tồn khoảng 50 hải lý), máy tàu của anh bị hỏng. Đang trong tình trạng nguy hiểm, bởi hệ thống thông tin liên lạc trục trặc, lương thực và nhiên liệu sắp cạn, sóng to gió lớn, tính mạng các thuyền viên đang bị đe dọa nghiêm trọng. May thay, bộ đội Hải quân đảo Sinh Tồn phát hiện được và khẩn trương kéo tàu cá của anh về âu tàu đảo Sinh Tồn để sửa chữa, cung cấp thêm nước ngọt, lương thực thực phẩm để anh và các thuyền viên tiếp tục ra khơi. Đối với chúng tôi, Hải quân là điểm tựa để mọi ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Thấm thoắt, hơn hai chục ngày trong hải trình công tác đến các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa đã kết thúc, tàu HQ-561 bắt đầu hành trình trở về Quân cảng Cam Ranh. Đêm chia tay, không gian trên tàu bỗng như lắng lại, khác hẳn ngày thường; các thành viên trong đoàn người thì trao đổi thêm về những bức ảnh, khuôn hình; người lặng lẽ viết tiếp những bài báo, những dòng nhật ký về những ngày đặc biệt trên biển, đảo. Riêng chúng tôi, bỗng một thoáng buồn, một thoáng nghẹn ngào bởi không lâu nữa, chúng tôi sẽ chia tay những cán bộ, chiến sĩ Hải quân hào sảng, thân tình, gần gũi, lặng lẽ cống hiến tuổi thanh xuân cho bình yên mạch nguồn Tổ quốc. Xin ghi lại đây mấy câu trong bài thơ “Lính đảo xa” trên báo tường của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn:

...Ở nơi đó trời xanh và biển rộng

Suốt bốn mùa gió lộng và mây bay

Biển ồn ào, súng vẫn chắc trong tay

Sóng dữ dội chẳng lay lòng chiến sĩ

...

Việt Anh - Quang Thành

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới