Quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả - Thực trạng và giải pháp: Kỳ II: Giải pháp cho quản lý về giống cây ăn quả

Trước thực trạng nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả không có giấy phép đăng ký kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh giống cây không rõ nguồn gốc khiến cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn các huyện, thành phố bị thiệt hại, ảnh hưởng không nhỏ tới quy hoạch trồng cây ăn quả của tỉnh, cơ quan quản lý Nhà nước đã có giải pháp gì?

Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả

tại phường Chiềng Sinh (Thành phố).

 

Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm

 

Trả lời về công tác quản lý giống cây trồng hiện nay trên địa bàn, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành tổ chức kiểm tra 779 lượt cơ sở kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 80 lượt kiểm tra về giống cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm. Qua kiểm tra, đã phát hiện xử phạt 9 cơ sở ở Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, với các vi phạm chủ yếu, như: không có giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp, không có giấy chứng nhận nguồn gốc giống cây trồng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sản xuất cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp vô tính không từ cây đầu dòng.

Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết các sai phạm chủ yếu rơi vào các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh tự phát. Việc bán cây giống thông qua đặt hàng chủ yếu dựa trên “niềm tin” giữa người bán và người mua. Vì vậy, việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Hàng năm, huyện đã có công văn về việc quản lý chất lượng giống cây ăn quả gửi các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh cây giống; cung cấp địa chỉ các HTX cung ứng cây giống chất lượng để người dân biết. Tuy nhiên, qua nắm bắt một số xã chưa triển khai; nhiều hộ sản xuất cây giống không đủ điều kiện nhưng việc phát hiện, xử lý những vi phạm gặp khó khăn do quy định xử phạt chưa cụ thể.

 

Nhân dân tìm hiểu và mua cây giống tại HTX Chiến Thắng, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn).

 

Ông Dương Gia Định, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nguyên nhân khiến cho công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng nói chung và giống cây ăn quả nói riêng trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn là do các văn bản quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả chưa cụ thể, rõ ràng, còn chung chung, chưa phân rõ quy định đối với quy mô sản xuất kinh doanh hộ gia đình với tổ chức hoặc sản lượng cây giống sản xuất, kinh doanh hàng năm. Bên cạnh đó, các trạm Bảo vệ thực vật đã chuyển về các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thuộc huyện quản lý nên việc quản lý, kiểm tra cũng khó khăn; các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn quản lý. Song, ông Dương Gia Định cũng khẳng định, mặc dù khó khăn nhưng việc rà soát, loại bỏ những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cây giống nhỏ lẻ, không đủ điều kiện là cần thiết; sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

 

Quản lý giống - trồng theo quy hoạch

 

Trở lại câu chuyện phát triển cây ăn quả ở xã Hát Lót (Mai Sơn), theo kế hoạch của xã đến năm 2020 sẽ trồng mới 250 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên 947 ha, trong đó: 450 ha xoài; 350 ha nhãn; 120 ha bưởi và các cây ăn quả có múi khác... Điểm thuận lợi là trên địa bàn xã, HTX Ngọc Lan là đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả. Hiện HTX có vườn ươm, các cây giống đã được trồng lưu vườn nên tỷ lệ cây sống đạt 99%. Khi mua cây giống, HTX sẽ tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm bón. Tuy nhiên, một số bản vùng xa chưa có thông tin về đơn vị cung cấp giống uy tín, nên một số hộ đã mua phải giống không rõ nguồn gốc phải chịu thiệt hại.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, ngày 24/6/2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Theo đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn; các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Giống cây trồng đưa vào sản xuất phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt đối với những giống cây ăn quả và các cây trồng khác đưa vào trồng mới phải đảm bảo lấy từ nguồn giống được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Như vậy, việc xã Hát Lót biết có người xuống các bản bán giống cây bưởi đỏ cho dân khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, nhưng cũng không có biện pháp ngăn chặn (như đã phản ánh ở kỳ 1) là đúng hay sai đã rõ.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị 15 của UBND tỉnh giao cho Sở thường xuyên công bố công khai các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng đủ điều kiện; danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên trang Website của Sở để tổ chức, cá nhân có nhu cầu về giống được biết, lựa chọn sử dụng giống đảm bảo chất lượng, Sở đã thực hiện. Tuy nhiên, việc đăng tải thông tin chưa thường xuyên.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, ngày 4/4/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, ngoài đề ra mục tiêu phấn đấu nâng diện tích, sản lượng các loại trái cây... tỉnh sẽ xây dựng vườn giống cây trồng, giống lưu vườn, hình thành một số chợ giống cây trồng và xây dựng một số chợ đầu mối để chủ động cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, ngày 4/4/2018, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 76 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021, trong đó có chính sách hỗ trợ các HTX xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả. Hướng tới mỗi huyện, thành phố có từ 1 đến 2 vườn ươm giống cây ăn quả để sản xuất giống lưu vườn cung ứng cho nhân dân.

Ngày 20/6/2018, Sở NN&PTNT đã ban hành Hướng dẫn số 301/HD-SNN hướng dẫn thực hiện về giá, tiêu chuẩn kỹ thuật một số loại cây ăn quả để thực hiện các chương trình, dự án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Sở đã bình tuyển, thẩm định, công nhận, quản lý, hướng dẫn khai thác 91 cây đầu dòng gồm: 20 cây bơ, 19 cây xoài tròn, 33 cây xoài GL4, 11 cây nhãn chín muộn PH-M99-1.1, 7 trụ thanh long ruột đỏ TL4, 1 cây nhãn HTM-1 và 1 vườn cây đầu dòng giống nhãn chín muộn PH-M99-1.1 để cung cấp khoảng 195.000 mắt, cành ghép/năm.

 

HTX Ngọc Lan chuẩn bị 10.000 cây giống xoài lưu vườn cung ứng cho nông dân trồng niên vụ 2019.

Giống cây trồng là một trong các yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, thành hay bại của mùa vụ. Vì vậy, các huyện, thành phố  cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển cây ăn quả của địa phương đảm bảo khai thác tiềm năng, lợi thế và đúng với chủ trương của tỉnh. Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin những địa chỉ tin cậy về cung ứng giống cây ăn quả để người dân lựa chọn, tránh tình trạng để người dân, nhất là người dân ở các bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng cung ứng những giống cây trồng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; hướng tới xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả an toàn, chất lượng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, mang về những “mùa vàng” bội thu cho nông dân.

Theo Nghị định số 31 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng tùy mức độ và hành vi. Trong đó, sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp vô tính không từ cây đầu dòng bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;  từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu địa điểm sản xuất không phù hợp với quy hoạch của ngành nông nghiệp; không có cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp; không có hoặc không thuê nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trồng trọt, bảo vệ thực vật trở lên... 
Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới