Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người

Năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, chưa xây dựng được mô hình cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh. Công tác truyền thông chưa thường xuyên, một số vùng lõm trong tiêm chủng mở rộng chưa được cải thiện nhiều, thiếu kinh phí cho lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng mở rộng.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra,  góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt là bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); bệnh dại; viêm não vi rút; sốt xuất huyết; tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác, kể cả các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh lây từ động vật sang người. Củng cố hệ thống giám sát, chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình bệnh truyền nhiễm theo quy định. Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm tuyến tỉnh và tuyến huyện trong khâu thu thập, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm cũng như tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Nâng cao chất lượng truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người.

Trước hết, địa phương, đơn vị, các ngành chức năng cần kiện toàn và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ tỉnh, huyện đến tuyến xã. Nâng cao và gắn trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người tại địa phương. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo kịp thời để có giải pháp xử lý hữu hiệu.

Tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị; duy trì cán bộ làm chuyên trách tại các đơn vị y tế dự phòng, đảm bảo nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Tăng cường huy động lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên để tham gia, triển khai các biện pháp giám sát, chống dịch tại cộng đồng. Tập huấn bổ sung kiến thức về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch: phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp chống dịch, trực dịch...

Tiếp tục duy trì các thành quả thanh toán bệnh bại liệt (từ năm 2000), loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên quy mô huyện (từ năm 2005) và tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021. Ngành Y tế chỉ đạo các huyện rà soát, tăng cường tiêm chủng thường xuyên.

Xây dựng các thông điệp, chú trọng truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về biện pháp phòng bệnh, giáo dục vệ sinh tại những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như: trường học, khu dân cư tập trung, các bản vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi. Triển khai hệ thống thông tin tiêm chủng bằng phần mềm trực tuyến. Nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để điều trị các trường hợp mắc bệnh; thực hiện đúng các phác đồ hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm để giảm tử vong.

       Khánh Minh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới