Phía sau những cành đào Tết

Tết đến, từ miền núi cho đến thành phố, gia đình nào cũng muốn có một cành đào để bày trong nhà. Nắm bắt được nhu cầu, những ngày này, khắp các huyện, thành phố trong tỉnh bày bán rất nhiều cành đào được chặt từ khắp nơi với đủ kích cỡ, giá cả. Thậm chí, người bán đào còn chặt cả những cành đào non, nguyên cả cây đem bán. Và câu chuyện phía sau đó là số lượng đào ngày một giảm sút, hơn thế, một lượng lớn cành đào không bán được chỉ để làm củi rất lãng phí...

 

Nhiều cành đào chưa có nụ nhưng vẫn được chặt về bán tại khu vực Thành phố.

Còn nhớ vào dịp Tết năm trước, khi đó xuống huyện Mai Sơn chúc tết người thân, đi qua đoạn dốc Mường Hồng, xã Hát Lót, thấy rất nhiều cành đào lớn, nhỏ khác nhau vứt chỏng chơ đầy 2 bên đường. Hỏi ra được biết, số lượng cành đào này của một người chuyên buôn đào vận chuyển từ mấy xã vùng cao của Mai Sơn về bán. Tuy nhiên, do đào chặt về không kịp nở trước Tết, chủ buôn đào lỗ vốn vì cành đào không có khách mua. Tại các huyện và thành phố, hình ảnh những cành đào Tết không bán được do không có nụ, không có hoa, đào chặt non vứt bên vệ đường không còn là hình ảnh hiếm gặp.

Trò chuyện từ những người bán đào, được biết: Đa phần những người bán đào đều mua lại từ vườn của những người dân vùng cao. Đào được trả giá trực tiếp tại gốc, thuận mua vừa bán là chặt rồi chở bằng xe máy xuống thị trấn, thành phố bán. Cũng bởi người dân thích chơi đào mốc chặt từ vùng cao, nên những người buôn đào tỏa khắp các bản, nơi nào có đào, nếu chủ nhà đồng ý bán thì chặt, thậm chí là cưa cả gốc đem bán. Ông Lò Xuân Thủy, bản Hìn, phường Chiềng An, một trong những người chuyên buôn đào, nói: Do nhiều người buôn đào, đào chặt mang đi bán nhiều nên giờ đào vùng cao giảm mạnh. Tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ, từng được mệnh danh là vựa đào của Tây Bắc, nhưng mấy năm nay lượng đào đã giảm sút đáng kể theo từng năm. Đó là chưa tính đến lượng đào sau khi mang từ vùng cao xuống được chất lên các xe tải lớn mang về xuôi. Do vậy, 2 năm nay, tôi không đi buôn cành đào nữa.

Những người chuyên trồng đào bích khuyên nên chặt đào vào thời điểm cách tết khoảng 10-15 ngày khi cành đào đó chắc chắn sẽ nở đúng dịp Tết, còn không thì nên để lại thay vì cố chặt rồi lại phải bỏ đi. Cách khai thác này sẽ giữ lại được những cành đào không nở hoa vào dịp tết năm nay, dành cho năm sau. Anh Mùa A Chu, bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng (Bắc Yên), cho biết: Những người buôn đào lên tận xã, bản để mua đào. Đào bị chặt đem bán nhiều, thậm chí là chặt cả cây nên nhiều cây đào lâu năm trong vùng đã không còn. Mấy năm nay, xã đã tuyên truyền, vận động bà con không nên khai thác tận diệt như vậy nên nhiều hộ đã ươm trồng giống đào vùng cao. Như nhà tôi có mấy cây đào lâu năm, nhiều người đến hỏi mua gia đình nhất quyết không bán, để lại cho đẹp và có quả ăn. Bởi thiếu sắc đào thì không phải là vùng cao nữa...

Chúng ta đều biết thú chơi đào Tết là một nét văn hóa gắn liền trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Xuân đến trong nhà không thể thiếu sắc đào thắm. Tuy nhiên, với cách khai thác đào ồ ạt mà chưa tính đến sau này là điều đáng phải bàn. Hiện tại, chúng ta mới đang chỉ khai thác chứ chưa có một tổ chức, cá nhân nào đứng ra đầu tư phát triển giống đào vùng cao theo hướng hàng hóa hoặc có một dự án nào để bảo vệ, phát triển nguồn đào vùng cao hiện có. Đây chính là vấn đề cần phải được quan tâm sớm. Nếu chúng ta làm quá muộn tương lai không xa, những vựa đào nổi tiếng của Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng sẽ biến mất và sự khan hiếm giống đào vùng cao để chơi Tết là điều tất yếu xảy ra.

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới