Mường Lựm ngày mới

Vượt hơn 70 km từ Thành phố đến trung tâm xã Chiềng Hặc, rẽ thêm 17 km trên cung đường quanh co, hai bên là những nương ngô xanh mướt, rừng cây tếch đang nở hoa vàng rực, chúng tôi có mặt tại xã Mường Lựm - Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Yên Châu. Cảm nhận đầu tiên khi đến vùng đất này là sự đổi thay trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của xã.

 

Trung tâm xã Mường Lựm hôm nay.

 

Ngày 11/6/1948, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Châu được thành lập tại cây đa Nóng Luông bản Lựm (nay là bản Na Băng) xã Mường Lựm, gồm 4 đảng viên (tiền thân của Đảng bộ huyện Yên Châu), trực tiếp lãnh đạo nhân dân Yên Châu thực hiện các phong trào cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử của quê hương, đất nước, đóng góp sức người, sức của vào chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm1975. Đã hơn 70 năm, nhưng những câu chuyện lịch sử về cây đa Nóng Luông bản Lựm, những hòn đá được xếp theo vòng tròn, nơi các đảng viên đầu tiên của huyện  ngồi họp, những lần phá đồn bốt địch trên đồi Pom Đôi, tịch thu ruộng đất của phìa, tạo chia cho dân cày vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Mường Lựm.

Để tìm hiểu về sự đổi thay của xã Mường Lựm, chúng tôi tìm gặp ông Lò Văn Chẹt, nguyên là Chủ tịch, Bí thư Đảng bộ xã qua nhiều thời kỳ. Ở tuổi 80, nhưng ông Chẹt còn khá minh mẫn, khỏe mạnh, nhâm nhi chén nước chè, ông Chẹt kể: Trước đây, Mường Lựm không có điện thắp sáng, đến trung tâm xã là con đường mòn; chưa có trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; trường học cho con trong xã chỉ là 4 lớp học lợp mái gianh, tường trát đất hoặc thưng ván gỗ xiêu vẹo. Cả xã có 4 bản: Co Sáy, Ôn Ốc, bản Lựm, bản Mé, với 37 hộ, thuộc 2 dân tộc Thái, Mông chung sống. Cuộc sống của bà con chủ yếu là tự cấp tự túc, ít giao thương hàng hóa với bên ngoài. Sau khi Ủy ban Hành chính xã Mường Lựm được thành lập và kiện toàn đã vận động nhân dân hình thành tổ đổi công để gieo trồng đúng thời vụ. Năm 1959, HTX Nông nghiệp bản Lựm thành lập, với 47 ha đất sản xuất, từ đó nhân dân từng bước đủ ăn, đủ mặc. Đến nay, gia đình nào cũng được xem truyền hình, có ti vi, tủ lạnh, xe máy để đi lại, cuộc sống bây giờ khác xưa nhiều lắm.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Mường Lựm đã được hưởng nhiều chính sách, chương trình, dự án an sinh xã hội để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Mường Lựm đã chỉ đạo nhân dân trong xã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hằng năm, xã duy trì trồng 449 ha ngô, trên 79 ha lúa nước, 72 ha cây ăn quả; khoanh nuôi bảo vệ 3.678 ha rừng. Bà con còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, với hơn 2.200 con trâu, bò; hơn 3.600 con dê, lợn và hàng chục nghìn con gia cầm. Đời sống người dân từng bước khởi sắc. Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã đã đổi thay rõ rệt. Hiện, 12/12 bản có nhà văn hóa; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 6 km đường nội bản, liên bản được bê tông hóa; tu sửa, nâng cấp 4,5 km kênh, mương nội đồng; 85% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Xã hiện đã đạt 8 tiêu chí về nông thôn mới.

Niềm vui lớn với nhân dân xã Mường Lựm là ngày 30/5/2018, UBND tỉnh đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Di tích lịch sử cây đa Nóng Luông, địa điểm thành lập Chi bộ Đảng huyện Yên Châu. Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, người dân Mường Lựm tiếp tục đoàn kết, đồng tâm, đồng sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới