Mô hình CLB khuyến nông ở Chiềng Mai

Thời gian qua, các câu lạc bộ khuyến nông xã Chiềng Mai (Mai Sơn) đã trở thành “cầu nối” để các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của người dân xã Chiềng Mai (Mai Sơn).

Chiềng Mai là xã thuần nông, có gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, ngô, cà phê và các loại cây ăn quả; cùng với đó người dân duy trì chăn nuôi gần 6.000 con gia súc, hơn 60.000 con gia cầm... Những năm trước đây, do trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nên hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống nhiều hộ dân còn khó khăn. Trước thực tế đó, năm 2010, xã Chiềng Mai đã thành lập CLB khuyến nông tự nguyện tại xã với mục đích hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Đến nay, xã có 5 CLB khuyến nông với hơn 500 thành viên là người dân hoạt động kinh doanh buôn bán, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tham gia CLB, các thành viên được tập huấn, trao đổi, phổ biến về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, như: chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây cà phê; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm làm hàng hóa; cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả; hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải trong chăn nuôi; hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng công trình xử lý chất thải, hầm biogas, hầm chứa nước thải tại hộ gia đình...

Chị Nguyễn Thị Hoài, cán bộ khuyến nông xã, cho biết: Để giúp các CLB hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân; tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế; cung cấp tài liệu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các CLB; cán bộ khuyến nông trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng các CLB để hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của bà con... Qua đó, từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, bà con đã tích cực thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm CLB khuyến nông bản Ban, anh Hoàng Văn Hùng, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Trước đây, mạnh ai nấy làm, nên hiệu quả không cao. Từ ngày có CLB, được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật và thành viên trong CLB chia sẻ kinh nghiệm, người dân áp dụng vào sản xuất và nhận thấy hiệu quả, năng suất tăng, sản phẩm bảo đảm chất lượng, giảm công lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất... Ngoài ra, thành viên trong CLB còn được tổ chức tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương; được hướng dẫn tìm nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển sản xuất.

Còn gia đình chị Trần Thị Xuân, thành viên CLB khuyến nông bản Cơi Quỳnh phát triển nuôi lợn theo quy mô trang trại và thực hiện xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Đưa chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi của gia đình, chị Xuân chia sẻ: Trước đây, những ngày thời tiết nắng nóng, khu vực chuồng nuôi luôn bốc mùi từ chất thải rất khó chịu. Tham gia CLB, gia đình được hướng dẫn xây dựng hầm biogas, toàn bộ chất thải của đàn lợn được thu gom và xử lý khép kín nên không còn ô nhiễm nữa. Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng được khí biogas để đun nấu, tiết kiệm được chi phí.

Từ hiệu quả của các CLB  khuyến nông, cùng với duy trì các CLB hiện có, xã Chiềng Mai đang tiếp tục vận động người dân tham gia các CLB. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn người dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hạnh Vi
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới