Mít tinh trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Sáng 23/4, tại Hà Tĩnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2016).

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Đến dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh nước bạn Lào Bôlykhămxay và Khăm Muộn; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các lão thành cách mạng.

Đọc Diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Đình Sơn nêu rõ: Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, Tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều người con ưu tú đã làm rạng rỡ quê hương, đất nước như: Đại thi hào Nguyễn Du; chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng; đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng…

Được thừa hưởng các giá trị văn hoá, truyền thống cách mạng của quê hương, ngay từ nhỏ, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện tư chất thông minh, yêu nước, đầy nhiệt huyết. Năm 1917, Hà Huy Tập đỗ đầu kỳ thi tại Trường Tiểu học Thổ Ngọa; năm 1919, đỗ thủ khoa Trường Tiểu học Pháp - Việt và được đặc cách vào thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, đồng chí Hà Huy Tập dạy học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt, thị trấn Nha Trang (Khánh Hòa). Cuối năm 1925, đồng chí tham gia Hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước nổi tiếng lúc bấy giờ (sau này đổi tên thành Hội Hưng Nam rồi Việt Nam cách mạng Đảng, Tân Việt cách mạng Đảng).

Đầu năm 1927, Đảng Tân Việt nhận thấy đồng chí Hà Huy Tập là người giỏi về tổ chức và tuyên truyền, đã phái đồng chí vào Nam Kỳ hoạt động, gây dựng cơ sở cho Hội. Tại đây, đồng chí đã mở các lớp dạy học ban đêm để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp công nhân, thợ thuyền.

Năm 1928, đồng chí Hà Huy Tập rời Sài Gòn sang Trung Quốc, đến tháng 6/1929, được giới thiệu sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí đã say mê nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản và thực tiễn cách mạng ở quê hương Lênin vĩ đại; đồng chí đã có nhiều bài viết, tài liệu gửi Tạp chí Bônsơvích và Quốc tế Cộng sản.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, nhưng do sự kiểm soát gắt gao của địch nên cuối tháng 6/1932, đồng chí trở lại Liên Xô tiếp tục nghiên cứu và hoạt động cách mạng.

Năm 1933, đồng chí viết bài Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất và đặc biệt là tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương, làm rõ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Đông Dương, lịch sử đấu tranh của quần chúng công nông, uy tín và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản, những bài học kinh nghiệm về tổ chức và phương pháp đấu tranh, chuẩn bị cho cách mạng những bước tiếp theo.

Tháng 4/1933, đồng chí bí mật về Trung Quốc, cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài để chỉ đạo, khôi phục lại các tổ chức Đảng ở trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 và chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Hội nghị tháng 7 năm 1936, do đồng chí Hà Huy Tập và đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập tại Thượng Hải (Trung Quốc) chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền lợi dân chủ.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập về nước nhằm tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương, củng cố các tổ chức Đảng ở trong nước và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng khi mới 30 tuổi. Trong một thời gian ngắn, bằng kinh nghiệm và nỗ lực phi thường, đồng chí Hà Huy Tập đã triệu tập và chủ trì 3 hội nghị Trung ương; tổng kết tình hình, đề ra chiến lược, sách lược, mục tiêu và hình thức, phương pháp đấu tranh thích hợp với tình hình trong nước và quốc tế.

Giữa lúc cao trào cách mạng của cả nước đang diễn ra sôi nổi, ngày 1/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt, kết án 2 tháng tù và 5 năm quản thúc tại quê nhà. Ngày 30/3/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần hai và đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 25/3/1941, chính quyền thực dân mở phiên tòa đại hình đưa ra xét xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị  Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần...

Với 35 năm tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng vững bước tiến lên.

Công lao to lớn của đồng chí được Đảng và Nhân dân mãi mãi ghi nhớ. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng, ngày 11/2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết.

Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.

Noi gương đồng chí Hà Huy Tập và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã vượt qua gian khổ, hy sinh, đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Đồng chí Lê Đình Sơn nêu rõ: Tự hào là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh qua các thời kỳ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp, nêu cao tinh thần tiến công, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đất nước hoà bình lập lại, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh, tìm hướng đi phù hợp để phát triển toàn diện, bền vững. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%. Thu ngân sách của tỉnh năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng, gấp 7 lần so với năm 2010. Hà Tĩnh đang trở thành trung tâm điện lực, trung tâm luyện cán thép, hệ thống cảng nước sâu có tầm cỡ khu vực và quốc tế…

Học tập tấm gương Tổng Bí thư Hà Huy Tập và các vị tiền bối, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết, thống nhất quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa và dâng hương tại mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới