Màu xanh cây trái trên đất Mường La

“…Gọi em, mùa xuân đã về/ Ơi Mường La/Vui đón bạn bè về thăm phố núi/ Đỉnh hoa thắm tươi đoàn kết ngược xuôi/Tìm em - gặp em trong đêm hội/Tìm anh - gặp anh trong phiên chợ…” – Lời bài hát “Xuân về Mường La” của tác giả Mùi Hái khiến chúng tôi thêm háo hức về huyện những ngày giáp tết, không chỉ để tham quan Nhà máy thủy điện Sơn La, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lòng hồ thủy điện mênh mông sóng nước, mà còn để trải nghiệm những đồi cây ăn quả đang nảy lộc, ra hoa, với nhiều hy vọng có thêm một mùa bội thu.

Mô hình trồng xoài của thành viên HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú (Mường La).

Ảnh: PV

Tại trang trại cây ăn quả của gia đình chị Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX Đoàn Kết (xã Mường Bú), những cây xoài, cây nhãn đang đâm chồi, nảy lộc. Chủ vườn không giấu niềm vui: 12 ha cây ăn quả này đã mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng một năm cho gia đình. Vui hơn là, sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Không riêng gia đình tôi, 300 tấn quả xoài, nhãn vụ vừa qua của các thành viên HTX cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đến xã Mường Chùm, chúng tôi thăm vườn xoài của gia đình ông Quàng Văn Ích, bản Nà Tòng. Trên diện tích 3 ha, với hàng trăm cây xoài được cải tạo từ những giống xoài địa phương, trồng thẳng hàng, nhiều cây đường kính gốc lên đến 30 cm, thời điểm này, vườn xoài đang chuẩn bị ra hoa. Ông Ích bảo: Giống xoài địa phương đã bị thoái hóa, nên tôi cải tạo bằng giống xoài lai, chăm sóc theo hướng sản xuất sạch, với mong muốn sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Câu chuyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Mường La không phải là mới, nhưng để đạt được kết quả như ngày hôm nay, là có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong huyện. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện về việc triển khai trồng cây ăn quả trên đất nương thay thế cây lương thực ngắn ngày, được biết, cách đây 5 năm, thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, các cơ quan chuyên môn, địa phương trong huyện đã tích cực vào cuộc, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả của các mô hình điển hình trong huyện, trong tỉnh để được “mắt thấy, tai nghe”, từ đó tin tưởng và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Giai đoạn 2016-2020, huyện đã hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng để trồng mới 1.512 ha cây ăn quả các loại; hỗ trợ gần 900 triệu đồng cho 3.594 hộ cải tạo vườn tạp và hỗ trợ 391 triệu đồng cho các hợp tác xã mua bao bì đóng gói sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu. Như vậy, bước vào năm Tân Sửu, huyện Mường La có 5.079 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là xoài, chuối, nhãn, mận hậu… Bên cạnh đó, các xã vùng cao của huyện còn có 2.229 ha cây sơn tra, sản lượng đạt 8.500 tấn quả/năm, giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều diện tích cây ăn quả ở Mường La đã và đang được áp dụng quy trình VietGAP và sản xuất theo hướng an toàn. Việc này đã được gắn với công tác tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Dù là kỹ thuật mới, công nghệ cao, nhưng đã được các hộ dân đón nhận và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, Mường La đã có 8 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 1 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, với 216 ha được cấp mã số vùng trồng. Cùng với đó, hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, gồm 2 chuỗi cây sơn tra, 2 chuỗi cây mận, 3 chuỗi cây xoài.

Với chất lượng đạt cao, sản phẩm quả tươi của huyện Mường La đã được thị trường trong nước chấp nhận và được bán tại các chuỗi siêu thị: BigC; Vincom; VinMart… Tính riêng vụ năm 2020, huyện đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 1.188 tấn xoài và 2.000 tấn chuối.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Mường La sẽ trồng mới 2.060 ha cây xoài, dứa, chuối, mận hậu, chanh leo, nhằm tạo vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung cung ứng cho Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La và Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ. Huyện cũng định hướng phát triển thành 2 vùng trồng cây ăn quả, đó là: Vùng cây ăn quả ôn đới và vùng cây ăn quả nhiệt đới. Trong đó, vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới là các xã: Mường Bú, Mường Chùm, Pi Toong, Tạ Bú, Chiềng San, Chiềng Lao, Mường Trai, Nặm Păm và thị trấn Ít Ong. Tùy theo điều kiện ở mỗi xã, từ các nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và các chương trình, dự án, huyện tiếp tục hỗ trợ giống, kỹ thuật thâm canh và các điều kiện khác cho các hộ dân trồng cây ăn quả trên địa bàn.

“Về Mường La, ai có về Mường La/Con sông sâu, con sông Đà huyền thoại/Đây phố núi, bao nhà máy mọc lên nhấp nhô lưng đồi/…Non xanh, nước biếc, bức tranh xuân…”. Nắng xuân đã chan hòa trên những nương đồi trải dài màu xanh của cây ăn quả - Một mùa xuân mới mang về biết bao niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho người dân quê hương Mường La Anh hùng.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới