Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị ở HTX Trường Tiến

Những năm qua,  HTX Trường Tiến ở bản Củ, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) đã đẩy mạnh việc đưa giống cây trồng mới vào canh tác, áp dụng quy trình sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn của các sản phẩm để đưa ra thị trường.

Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Trường Tiến, bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX Trường Tiến, cho biết: Cách đây 5 năm, qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, chúng tôi quyết định chuyển đổi 4 ha trồng cà phê sang trồng các loại cam Vinh lòng vàng, cam v2, cam C36, cam cara, cam đường canh, bưởi da xanh và trồng xen cam, bưởi trên diện tích 1,2 ha cà phê. Tuy nhiên, sản xuất quy mô hộ gia đình khả năng cạnh tranh không cao, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thu mua ngày càng lớn của thương lái. Năm 2018, được sự hướng dẫn của huyện, HTX Trường Tiến đã vận động các hộ trồng cây ăn quả tại địa phương tham gia thành lập HTX Trường Tiến. Đến nay, HTX có 15 thành viên, với diện tích sản xuất 20 ha cây ăn quả có múi, 30 ha cà phê, ngoài ra các thành viên còn có 4,6 ha lúa 2 vụ đảm bảo lương thực tại chỗ và chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng tăng gia sản xuất.

Tìm hiểu được biết thêm, HTX Trường Tiến là một trong 6 HTX hoạt động trên địa bàn xã Chiềng Ban. Từ khi thành lập và đi hoạt động, HTX Trường Tiến đã được huyện Mai Sơn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hàng năm, huyện tạo điều kiện cho các thành viên HTX được  tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện; cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 250 triệu đồng làm mô hình tưới ẩm; hỗ trợ tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm, hỗ trợ men ủ phân hữu cơ... Ngoài ra, hỗ trợ tư vấn về tiêu thụ sản phẩm, cách thức tiếp cận thị trường tham gia vào sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, tạo động lực cho HTX phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững. Chỉ sau hơn 2 năm thành lập, 75% diện tích trồng cây ăn quả của HTX Trường Tiến đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hiện HTX còn từng bước chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Năm 2018, HTX đã bán ra thị trường trên 150 tấn cam các loại, trong đó, cung cấp 30 tấn cam và quýt đường cho hệ thống siêu thị BigC tại Hà Nội; 300 tấn quả cà phê tươi, doanh thu trên 5 tỷ đồng. Hằng năm, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động địa phương, thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất với các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn Thành phố và các huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La... cung cấp cây giống, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua bao tiêu sản phẩm cho các hộ.

Với việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình sang liên kết các hộ sản xuất tập trung, cung ứng, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, HTX Trường Tiến đã tham gia vào chuỗi sản xuất quả an toàn, bền vững của tỉnh, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, tạo việc làm cho lao động địa phương. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thời gian tới, HTX mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ về vốn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên HTX, có các chính sách thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu, thu mua sản phẩm... thúc đẩy HTX phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới