Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV: Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Sáng ngày 8/12, Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Trả lời nội dung chất vấn: Đào tạo nghề theo Đề án 1956 còn hình thức, không gắn với định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm dẫn đến người lao động học nghề xong không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực, đồng chí Lê Viết Trực, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo khái quát kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 từ năm 2011 đến nay. Theo đó, trong giai đoạn đầu (2011- 2013) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 11.810 người, đạt 58,56% kế hoạch của đề án thực hiện; giai đoạn 2014-2015 tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 5.150 người, đạt 25,38% của Đề án đã thực hiện; giai đoạn từ 2016 đến nay, đào  tạo được 3.206 người, đạt 15,89% đề án. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 chủ yếu xảy ra trong giai đoạn đầu (từ 2011-2013). Với nhiều nguyên nhân, đến từ nhiều phía: phía người lao động, từ phía cấp ủy, chính quyền cơ sở, từ phía cơ sở đào tạo và từ phía các cơ quan chức năng trong Ban chỉ đạo của Đề án 1956 các cấp. Từ năm 2014 đã rút kinh nghiệm và từng bước khắc phục một cách tích cực; từ năm 2016 đến nay đã cơ bản khắc phục được tình trạng trên.

Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Giám đốc Sở nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong việc hướng dẫn, định hướng giáo dục nghề nghiệp nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng công tác thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động; tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển chọn lao động cung ứng cho các doanh nghiêp trong và ngoài tỉnh, tao điều kiện thuận lợi cho người lao động. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Viết Trực, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

 

Trả lời thêm nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đề nghị làm rõ hơn giải pháp nâng cao hiệu quả, năng xuất lao động về quản lý người lao động sau khi được đào tạo nghề. Đồng chí Lê Viết Trực cho rằng: Sở đang quản lý chặt chẽ người đã đào tạo và chưa đào tạo từ 2010 đến nay có điều tra tổng thế dữ liệu nền về lao động trên toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; việc điều tra người từ 15 tuổi đến hết tuổi lao động được cán bộ làm công tác xã hội ở cấp xã, phường nắm chắc, được rà soát qua mỗi năm để cập nhập vào phần mềm dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng việc lựa chọn, giới thiệu việc làm cho người lao động với doanh nghiệp đang gặp khó khăn đến cả từ người lao động và doanh nghiệp. người lao động hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp chưa trả công xứng đáng để thu hút, gắn kết người lao động…

 

Phiên chất vấn tại Kỳ họp.

 

 Giải trình nội dung chất vấn về việc thực hiện đầu tư các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã cấp Chứng nhận chủ trương đầu tư cho 63 dự án với tổng công suất lắp máy 795,8 MW. Hiện đã hoàn thành đi vào phát điện 44 nhà máy, có tổng công suất lắp máy 500,1 MW, tổng vốn đầu tư 12.380 tỷ đồng. Hiện số lượng công trình đang triển khai thi công xây dựng là 12 công trình; số dự án đã có chủ trương đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án, chuẩn bị khởi công là 6 dự án; còn 6 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ trước năm 2010 nhưng đến nay chưa hoàn thành là: Nậm Hóa 1, Phiêng Côn, Nậm Pàn 5, Háng Đồng B, Pao Cư Sáng, Nậm Trai 3. Lý do của các dự án chậm tiến độ được đưa ra đó là một số dự án triển khai trên địa bàn hai tỉnh nên việc thực hiện các công tác liên quan đến chuẩn bị dự án thường kéo dài hơn các dự án khác, nhất là việc đền bù giải phóng mặt bằng (như thủy điện Nậm Hóa phần hồ chứa nước nằm ở địa bàn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên); một số dự án do năng lực của chủ đầu tư không đáp ứng được việc thực hiện dự án. Đồng chí cũng thẳng thắn thừa nhận: việc các dự án chậm tiến độ là trách nhiệm của ngành Công Thương. Việc phối hợp với các ngành, UBND huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư như hoàn thiện nhanh hồ sơ đánh giá tác động môi trường; giấp phép sử dụng nước mặt; chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, nông nghiệp; đền bù hỗ trợ để giải phóng mặt bằng…còn có những bất cập.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

 

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thẩm định, thẩm tra thiết kế cơ sở công trình thủy điện để giảm thiểu việc điều chỉnh, bổ sung khi xây dựng công trình. Giảm bớt thời gian khi hồ sơ dự án phải thực hiện việc điều chỉnh bổ sung dự án. Đối với các dự án đang thi công, chậm tiến độ, có nguy cơ không thực hiện đúng theo tiến độ hoàn thành trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ trì cấp phép đầu tư và các cơ quan liên quan thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về đầu tư, thu hồi chứng nhận đầu tư để giao cho chủ đầu tư khác thực hiện hoặc chấm dứt khi thực hiện khi chủ đầu tư chậm triển khai.

 

Đồng chí Hoàng Văn Chất chủ trì phiên chất vấn.

 

Về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đối với các dự án thủy điện chậm tiến độ, dự án “thủy điện treo”, các ngành chức năng cần phải xử lý theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng chí yêu cầu ngành Công Thương sớm đề xuất cho tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích cho các tổ chức, cá nhân; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất để quản lý hiệu quả cấp phép công suất của mỗi nhà máy thủy điện; Sở Công Thương và các huyện cần quản lý tốt việc điều tiết nguồn nước từ các thủy điện để đảm bảo phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân…

Sau phần chất vấn, Kỳ họp tiếp tục nghe các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, lĩnh vực Dân tộc. Dự kiến Kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh sẽ được bế mạc trong sáng nay. Báo Sơn La điện tử tiếp tục cập nhật kết quả của Kỳ họp.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới