Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Mai Sơn

Đến các xã của huyện Mai Sơn hôm nay, thấy diện mạo nông thôn đang chuyển biến rõ rệt: Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; đời sống văn hóa tinh thần được quan tâm; môi trường được chú trọng... Đến hết 30/6/2019, Mai Sơn đã đạt 239 tiêu chí, bình quân đạt 11,38 tiêu chí/xã, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chiềng Ban, Mường Chanh, Hát Lót, Mường Bon); 2 xã đạt 16 tiêu chí (Cò Nòi, Chiềng Sung); 5 xã khác đạt 10-13 tiêu chí; 10 xã đạt 6-9 tiêu chí. Đây là thành quả quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng sự ủng hộ cao của nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong thực Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các hộ dân bản Búc A, Búc B (xã Chiềng Sung) vệ sinh môi trường khu vực Nhà văn hóa bản.

Để có được kết quả trên, Mai Sơn tập trung chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp, vận dụng sáng tạo các văn bản của cấp trên phù hợp thực tế cơ sở và khả năng của huyện; ban hành kịp thời các văn bản, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo của huyện; duy trì nghiêm chế độ giao ban, thống nhất chủ trương giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, Mai Sơn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương; mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc (toàn huyện hiện có 7.351 ha cây ăn quả); khuyến khích phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết với các hộ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Mai Sơn hiện có 108 HTX, trong đó 88 HTX nông nghiệp). Huyện cũng đẩy mạnh phong trào “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” theo Kế hoạch của Ban Thường vụ huyện ủy, khơi dậy và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng về cơ sở.

Mai Sơn cũng thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước kết hợp với sự tham gia đóng góp của người dân để thực hiện các công trình trọng tâm, vận dụng cơ chế hỗ trợ để lồng ghép ngân sách huyện trong thực hiện làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ kinh phí làm nhà văn hóa bản (vùng 1 hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà; vùng 2 hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà). Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của cơ sở, giải quyết kịp thời các vướng mắc, không để làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phong trào chung.

Một trong những điểm nổi bật của phong trào “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” là Mai Sơn huy động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn thể tham gia các hoạt động tình nguyện, thứ 7 hàng tuần về cơ sở hướng dẫn nhân dân thực hiện xóa nhà tạm, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm... Qua hơn 2 năm triển khai (từ năm 2017 đến giữa năm 2019), đã triển khai tại 472 bản thuộc 11 xã, giúp chỉnh trang nhà ở cho 13.742 hộ; đào 8.904 hố rác, hố thấm nước; tu sửa trên 276 km đường giao thông, rãnh thoát nước; đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn 7.561 hộ; làm 10.588 nhà tắm, nhà vệ sinh; cải tạo vườn tạp cho 1.926 hộ, xóa nhà tạm cho 141 hộ (kinh phí hỗ trợ trên 3 tỷ 300 triệu đồng, 48.000 ngày công)... 

Theo đồng chí Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện, Mai Sơn tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí tại 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đưa xã Chiềng Ban đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020; hướng dẫn, giúp đỡ các xã Cò Nòi, Chiềng Sung, Nà Bó, Chiềng Mung, Chiềng Mai thực hiện tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và những năm tiếp theo. Với cách làm sáng tạo, khoa học, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mai Sơn đã và đang phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới