Khởi sắc nông nghiệp, nông thôn

Xuân về, cuộc sống khắp các vùng nông thôn trong tỉnh thêm khởi sắc. Những vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu đang ngày càng phát triển. Sơn La đang vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc.

Chủ trương đúng và trúng

Tại Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc được tổ chức tại Sơn La, đánh giá về những kết quả trong phát triển nông nghiệp mà Sơn La đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, đã nhấn mạnh: 5 năm gần đây, Sơn La nổi lên như một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” với bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Từ một tỉnh chỉ “quanh năm bán sắn, bán ngô”, nay đã phát triển mạnh kinh tế rừng, đẩy nhanh phát triển cây công nghiệp, mang lại sức sống hoàn toàn khác biệt. Thực tế cho thấy, việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng, tăng năng lực các nhà máy chế biến đã trực tiếp giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nông sản Sơn La đang là sự lựa chọn thường xuyên, tin cậy của nhiều người.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng na thái tại xã Cò Nòi (Mai Sơn)

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề về thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển du lịch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Huyện Mai Sơn, trước đây là một trong những vựa ngô lớn nhất của tỉnh. Đến khi ngô mất giá, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị bỏ hoang. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như luồng gió mới làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, anh Đặng Đình Thùy, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, chia sẻ: Vùng đất này ngày trước trồng toàn ngô và cây cà phê, do vào mùa đông ở đây hay có sương muối làm cây chết cháy. Sau khi nghiên cứu, tham quan các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, tôi chuyển 2,5 ha sang trồng cam Vinh, bưởi, ổi, thanh long... Đồng thời, chuyển hướng sang phát triển du lịch, vừa cung cấp quả sạch để khách đến tham quan có thể hái quả ăn trực tiếp mà không phải lo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, vườn nhà tôi đang có 2.000 gốc cam, bưởi. Năm nay, gia đình thu trên 70 tấn quả, chủ yếu phục vụ khách tham quan tại vườn và bán cho các siêu thị lớn ở Hà Nội. Sau khi trừ hết chi phí, thu về khoảng 600 triệu đồng.

Tiếp tục theo quốc lộ 4G, chúng tôi vào huyện Sông Mã. Từ xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong đến thị trấn Sông Mã, dọc hai bên đường là màu xanh bạt ngàn của những vườn nhãn. Cây nhãn được bà con quê Hưng Yên mang lên vùng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những cây nhãn lâu năm đã già cỗi, thoái hóa, quả nhỏ nên thu nhập giảm dần. Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc hỗ trợ ghép cải tạo vườn nhãn sang giống mới, chất lượng những vườn nhãn lâu năm đã cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, toàn huyện có gần 7.000 ha nhãn, chiếm trên 80% diện tích cây ăn quả của địa phương và trở thành cây ăn quả chủ lực cho thu nhập cao.

Tăng giá trị thu nhập

Điểm nhấn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh ta thời gian qua là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cây công nghiệp chủ lực được đầu tư chiều sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản, như: Vùng rau khoảng 11.000 ha ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng mía đường khoảng 8.000 ha ở Mai Sơn và Yên Châu; vùng sắn khoảng 37.000 ha ở Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên; vùng chè 5.600 ha ở Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu; vùng cà phê khoảng 17.800 ha ở Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố; ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn 73.000 ha cây sơn tra. Đến nay, đã xây dựng 117 chuỗi cung ứng nông sản về lĩnh vực trồng trọt, với diện tích trên 2.300 ha, sản lượng trên 27.500 tấn; có 47 cơ sở sản xuất, nhà máy đang hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Bên cạnh đó, người dân còn được hướng dẫn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sang phát triển chăn nuôi tập trung trang trại với từng loại vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng và nhân rộng một số mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi...

Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có những chính sách khuyến khích phát triển kịp thời, đã tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân đạt 4,2%/năm, cao hơn so với trung bình của cả nước. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; một số sản phẩm của Sơn La đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, đưa các giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích hợp lý, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Bước đầu hình thành mối liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối, tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Giá trị thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 47 triệu đồng, tăng 57% so với năm 2016; giá trị thu hoạch trên 1 ha nuôi thủy sản đạt 100 triệu, tăng 4% so với năm 2016.

Một mùa xuân nữa lại về trên những vườn cây trái bội thu, thành quả của công cuộc đổi mới trong nông nghiệp đã và đang tạo thêm khí thế để các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong tỉnh tiếp tục tự tin bước vào năm sản xuất mới đầy hứa hẹn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới