Khi doanh nghiệp, HTX và nông dân liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng

Với lợi thế phát triển cây nông nghiệp, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn có 3.200 ha đất canh tác; trong đó, 1.600 ha ngô bắp, 160 ha ngô ngọt, 800 ha bí đỏ, 120 ha mía, còn lại trồng chanh leo, dứa, đậu tương rau và các loại cây trồng khác. Với diện tích, sản lượng nông sản lớn, việc sản xuất theo đơn đặt hàng đang tạo ra mối liên kết sản xuất chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân.

                                 

Mô hình trồng chanh leo của nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

 Ảnh: PV

           

Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung, là doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng các loại giống ngô lai, Công ty duy trì sản xuất và liên kết sản xuất gần 500 ha giống ngô lai. Với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất ngô giống, Công ty có đội ngũ kỹ thuật và nông dân địa phương đã tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật. Năm 2020, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với gần 200 hộ, sản xuất 160 ha ngô ngọt cung cấp nguyên liệu chế biến cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

           

Ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty, thông tin: Liên kết sản xuất ngô ngọt cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chúng tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ, thu mua với các hộ dân địa phương, cam kết giá thu mua tối thiểu từ 3.500 đồng/kg ngô bắp cả bẹ. Qua 2 năm hợp tác sản xuất, Công ty đã cung cấp 4.000 tấn ngô ngọt (cả bẹ) phục vụ chế biến. Dự kiến năm 2022, hai công ty sẽ tiếp tục liên kết sản xuất nâng diện tích sản xuất ngô ngọt lên hơn 300 ha, góp phần nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

           

Bà Đào Thị Cúc, bản Noong Bình, xã Chiềng Sung, chia sẻ: Tham gia sản xuất ngô ngọt chế biến, gia đình tôi đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, được hỗ trợ giống, kỹ thuật, được cam kết về giá nên gia đình rất yên tâm sản xuất. Năm nay, với 1,6 ha trồng ngô ngọt, gia đình đã thu hoạch được 25 tấn, tổng doanh thu đạt gần 100 triệu đồng. So với trồng ngô thương phẩm, trồng ngô ngọt thời gian sản xuất ngắn hơn, giá bán ổn định. Sau thu hoạch cây ngô ngọt còn tận dụng làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc.

           

Liên kết sản xuất với các hộ dân để cung ứng nguyên liệu ngô ngọt, chanh leo và đậu tương rau cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao còn có HTX Quỳnh Nghĩa, HTX Trung Hiếu. Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Quỳnh Nghĩa, chia sẻ: Hiện nay, ngoài 10 ha của các thành viên, HTX còn liên kết với 20 hộ dân địa phương trồng 20 ha chanh leo. Trên cơ sở hợp đồng sản xuất, HTX đã ký kết với các hộ để liên kết sản xuất, cam kết thu mua chanh leo với giá tối thiểu từ 7.000 đồng/kg quả tươi trở lên. Đồng thời, HTX là đầu mối cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phối hợp tư vấn, hướng dẫn các hộ liên kết sản xuất an toàn, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm nay, là năm thứ 3 HTX liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đã cung cấp khoảng 50 tấn chanh leo múc dịch, giá bán trung bình là 8.000 đồng/kg chanh leo múc dịch.

           

Tham gia chuỗi liên kết, anh Nguyễn Văn Tuẩn, bản Cang, cho biết: Gia đình có 9.000m² đất trồng chanh leo liên kết sản xuất với HTX Quỳnh Nghĩa. HTX  cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất bảo đảm năng suất, chất lượng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm nay, gia đình đã thu hoạch 21 triệu đồng từ ngô ngọt, khoảng 80 triệu đồng chanh leo.

           

Trên địa bàn xã, hiện có 6 HTX và 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 4 HTX đã tham gia vào chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn của tỉnh. 3 năm qua, việc liên kết sản xuất với nông hộ và ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu chế biến cho  Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã hình thành thêm các chuỗi liên kết sản xuất gắn kết lợi ích và trách nhiệm, cam kết về giá và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thông qua liên kết sản xuất theo đặt hàng đã giúp cho nông dân vừa được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, ít rủi ro hơn sản xuất tự do.

           

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa HTX và doanh nghiệp với nông dân ở Chiềng Sung đã mang lại những kết quả tích cực. Hướng đi ở Chiềng Sung đang được kỳ vọng thúc đẩy, tạo động lực phấn đấu trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Mai Sơn.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới