Khăn piêu nét đẹp trong trang phục người Thái

Khăn piêu của người Thái Sơn La không chỉ góp phần làm đẹp thêm cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần, văn hóa được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ và cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ Thái.

 

Khăn piêu - nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc Thái.

 

Mỗi chiếc khăn piêu có chiều rộng hơn 30 cm và dài hơn 1m và được trang trí các họa tiết ở hai đầu khăn. Để làm nên một chiếc khăn piêu hoàn chỉnh, đẹp mắt với đầy đủ các họa tiết, công đoạn thêu hoa văn phải mất từ 2 đến 4 tuần. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, song trong quá trình thêu, người thêu có thể sáng tạo theo từng sở thích và tính cách của mỗi người. Điều đặc biệt trong việc tạo hoa văn trên mặt chiếc khăn piêu là không thêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn với đồ án và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình. Khăn piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn trên chiếc khăn Piêu có nhiều loại khác nhau như: Chim, lá, hoa, bướm, các họa tiết đường diềm... Trong đó, đặc biệt nhất là 3 loại hoa văn: tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn; cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa. Tuy nhiên, cả ba loại hoa văn này chỉ được thêu ở hai đầu của chiếc khăn. Những loại chỉ màu sặc sỡ được sử dụng rất nhiều trong việc thêu các hoa văn của chiếc khăn, song cũng có những chiếc khăn chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm, được thêu những hoa văn màu trầm. Tùy từng vùng, từng địa phương và từng lứa tuổi mà piêu có những sắc thái riêng của nó, song tất cả đều có những hoa văn, họa tiết tương đồng với nhau. Cầm trên tay một chiếc khăn piêu mới thấy được sự tài tình của người phụ nữ Thái. Những sắc màu và hoa văn độc đáo được kết hợp với nhau khéo léo. Màu xanh của núi rừng, màu vàng của những nương lúa và màu trắng hồng của hoa ban. Chẳng thế mà khăn piêu không đơn giản là vật đội đầu mà còn là biểu tượng tín ngưỡng của người Thái. Chiếc khăn piêu như vị thần che chở cho người phụ nữ Thái trong lúc nắng, lúc mưa.

Khăn piêu không chỉ là vật dụng trong đời sống thường ngày của người phụ nữ Thái, mà nó còn là vật để có thể đánh giá một người phụ nữ và gắn bó mật thiết trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Khi chuẩn bị lấy chồng, bên cạnh các món đồ dùng thổ cẩm như: đệm, chăn, gối... các cô gái Thái phải tự tay làm những chiếc khăn piêu làm quà tặng cho gia đình nhà chồng. Kể cả khi trong nhà có tang, khăn piêu cũng được làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn piêu trong đám tang. Chiếc khăn piêu khi ấy như vật chỉ đường cho linh hồn người đã mất tìm được lối về mường trời.

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng cho dù đi đâu, làm gì, người phụ nữ Thái vẫn đội trên đầu chiếc khăn piêu truyền thống của dân tộc và đó là niềm tự hào, bản sắc riêng biệt của dân tộc mình. Bởi khăn piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên một sản phẩm văn hóa và tinh thần in đậm bản sắc của dân tộc Thái.

Đức Anh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới