Khắc phục tình trạng học sinh bỏ học ở Bắc Yên

Bắc Yên hiện có 16 xã, thị trấn thì 15 xã thuộc vùng cao, vùng lòng hồ đặc biệt khó khăn. Những năm qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, công tác giáo dục và đào tạo của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Bắc Yên đã tập trung triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ tài chính đối với học sinh, như: miễn, giảm học phí, trao học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa, gạo đối với học sinh bán trú; ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo...

Thực trạng học sinh bỏ học

 

Dù đã có những ưu đãi, song tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra và thực sự là bài toán khó đối với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên. Theo thống kê, năm học 2018-2019, Bắc Yên có 44 trường học, với trên 18.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT, nhưng từ đầu năm học đến nay, đã có 125 học sinh bỏ học, 101 học sinh đi học không chuyên cần.

 

Một giờ học của học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Pắc Ngà (Bắc Yên).

 

Nếu trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần chỉ tập trung ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, như: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Hua Nhàn, thì nay lại xuất hiện ở tất cả các xã trên địa bàn huyện, nhất là các xã có nhiều lao động đi làm ăn xa. Và, vấn đề không phải là thiếu cơ sở trường lớp, giáo viên, mà lại là tư duy, nhận thức về việc học của người dân, thêm nữa do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu... 

Tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đến xã Pắc Ngà, nơi có số học sinh bỏ học nhiều nhất huyện. Qua trao đổi với thầy giáo Phạm Quốc Hưng, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Pắc Ngà, được biết năm học 2018-2019 nhà trường có 545 học sinh, nhưng ngay đầu năm học đã có 40 em, rải rác ở tất cả các khối lớp, có biểu hiện muốn bỏ học. Sau khi cán bộ, giáo viên nhà trường tuyên truyền, vận động thì 19 em đã trở lại lớp. Nhưng, từ tháng 11/2018 đến nay, tình trạng này lại tiếp diễn, đã có 18 học sinh bỏ học, 25 em thường xuyên nghỉ học. Nguyên nhân chính vẫn là các em phải phụ giúp gia đình làm kinh tế, hoặc bố mẹ các em đi làm ăn xa, không có người quản lý, phó thác mọi trách nhiệm cho nhà trường; một số ít học yếu, không theo được chương trình...

Tìm đến gia đình có 2 học sinh bỏ học hơn 1 tháng nay. Ngôi nhà sàn nhỏ nhưng là nơi cư ngụ của 7 thành viên, gồm 2 vợ chồng và 5 người con. Trong nhà, người vợ bệnh tật phải nằm một chỗ, 4 cháu nhỏ thay nhau dỗ dành một đứa trẻ khoảng 2 tháng tuổi đang khóc vì khát sữa. Lụi cụi đun nước mời khách, anh Đinh Văn Pẩng, chủ nhà ngại ngần: Vợ tôi mới sinh cháu được hơn 2 tháng, sau sinh bị hậu sản, nằm liệt một chỗ, một mình tôi không thể cáng đáng hết việc gia đình, nên cháu đầu là Đinh Thị Liệp đang học lớp 8 và cháu thứ hai Đinh Thị Ngoan đang học lớp 6 đành phải nghỉ học. Liệp cùng tôi đi làm nương, còn Ngoan ở nhà chăm mẹ, trông em; cháu thứ 3 do bị bệnh, học không được nên tôi đã cho nghỉ; hiện chỉ còn cháu thứ 4 vẫn đang theo học tại Trường Tiểu học Pắc Ngà.

 

Trò chuyện với hai cháu lớn, Liệp gạt nước mắt tiếc nuối: Em rất muốn tiếp tục đi học, được đến trường gặp thầy cô, bạn bè, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, thương mẹ, thương em nên chúng em phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Qua lời nói của Liệp, quan sát gia cảnh nhà anh Pẩng, chúng tôi càng hiểu thêm những khó khăn của đội ngũ giáo viên mỗi khi đến từng gia đình vận động học sinh đến trường.  

Còn ở trường PTDT bán trú THCS, Tiểu học xã Hồng Ngài, nơi chủ yếu là học sinh đồng bào dân tộc Mông. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất, trường lớp đã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy và học. Năm học 2018-2019, Trường có 915 học sinh, trong đó 478 học sinh bán trú. Các chế độ, chính sách cho học sinh được thực hiện đầy đủ. Ấy vậy nhưng hàng năm trường vẫn có học sinh bỏ học sau các kỳ nghỉ dài. Cụ thể, từ đầu năm học đến nay đã có 13 em học sinh bỏ học. Nguyên nhân là do nạn tảo hôn, một số em không có ý thức học tập, mải chơi, sợ kiểm tra bài vở, kiến thức; cá biệt có học sinh ở bán trú nhưng chỉ có mặt vào giờ ăn cơm, còn giờ học thì trốn đi chơi...; chưa kể, một số phụ huynh không mấy quan tâm việc học tập của con cái, cho rằng “có học hay không cũng vậy, học xong không được làm cán bộ thì cũng chỉ về nhà làm nương”...

 

Nỗ lực khắc phục tình trạng bỏ học

 

Nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, trước mỗi năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên đều chỉ đạo các trường thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sĩ số; đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, không để học sinh "ngồi nhầm lớp"; tăng cường phụ đạo cho học sinh học lực yếu kém. Mặt khác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc bám sát lớp, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của những học sinh có nguy cơ bỏ học cao, phân loại và có biện pháp tác động phù hợp; phối hợp với chính quyền, đoàn thể, phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh; tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, lợi ích của việc học tập để nâng cao dân trí, tạo điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội; vận động học sinh trở lại trường lớp. Đối với học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, cử giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho các em; phân công giáo viên chủ nhiệm liên hệ với phụ huynh học sinh cá biệt để có biện pháp quản lý, giáo dục; tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp các em giao lưu, học hỏi, tạo hứng thú, tiếp sức cho các em đến trường. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng công tác nấu ăn cho học sinh bán trú.

Giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Pắc Ngà và cán bộ xã  tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trăn trở: Ngành đang tập trung khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường. Trong đó, tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương và phụ huynh rà soát số lượng học sinh bỏ học, có giải pháp huy động các em trở lại trường. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Các trường học tăng cường thực hiện phân luồng học sinh, hướng nghiệp đối với học sinh THCS, THPT để các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp, tránh tình trạng giảm sút động cơ học tập và bỏ học. Tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến trường.

Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở vùng cao Bắc Yên, không chỉ ngành Giáo dục và Đào tạo, mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và cộng đồng, cũng như sự ủng hộ của các tổ chức đoàn thể trong thực hiện xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới