Kết quả bước đầu thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức danh

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cùng với việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính, tỉnh Sơn La đã thực hiện 2 mô hình kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện. Sau thời gian triển khai đã góp phần nâng cao năng lực, rèn luyện cán bộ, phát huy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

                                 

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo và dân vận tại Trung tâm Chính trị huyện Vân Hồ.

           

Bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã ban hành kế hoạch và cụ thể hóa các văn bản để tổ chức, triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 5/12 huyện, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện (Bắc Yên, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Thành phố); 12/12 huyện, thành phố đã triển khai mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện.

           

Mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các thành viên MTTQ; cơ bản khắc phục được tình trạng hành chính hóa, giảm các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, hai đơn vị có nhiệm vụ tương đồng là tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Qua rà soát các cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện mô hình thí điểm, hàng năm đều được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

           

Đồng chí Vì Thị Tiến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Sau gần 3 năm thực hiện mô hình, đã phát huy hiệu quả khi công việc được triển khai nhanh, kịp thời, thuận lợi hơn. Nổi bật là tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; huy động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới...

           

Đối với mô hình Trưởng ban Tuyên giáo, đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị. Sự phối hợp giữa Trung tâm chính trị với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị kịp thời và hiệu quả hơn; giảm cơ cấu Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, giảm khâu trung gian, tăng số lượng giảng viên chuyên trách tại trung tâm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 

           

Đồng chí Hà Ngọc Ắng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Phù Yên, cho hay: Việc kiêm nhiệm được thực hiện tại huyện Phù Yên từ tháng 8/2018, đã tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch do được thu về một mối. Cùng với đó, việc nhất thể hóa 2 chức danh này còn tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Việc phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị thuận lợi hơn, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy được phát huy.

           

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện 2 mô hình còn một số khó khăn, như: Đối với mô hình Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ đồng thời ở hai cơ quan, dẫn đến việc quản lý, tổ chức hoạt động của cơ quan, đơn vị còn lúng túng; công tác dân vận và công tác mặt trận có nhiều nội dung liên quan nhưng nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực lại mang tính độc lập, khối lượng công việc nhiều, do đó trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ có việc chưa kịp thời. Đối với mô hình Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị cấp huyện, quy định về quy chế giảng dạy và học tập đang áp dụng theo Quyết định 1853-QĐ/BTGTW ngày 04/3/2010 không còn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay theo Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 8/11/2019. Tuy nhiên, đến ngày 19/5/2021, Ban Tổ chức Trung ương mới ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định số 208-QĐ/TW, nên việc thực hiện quy trình, thủ tục, tiến hành thay đổi con dấu và các mẫu văn bằng, chứng chỉ của Trung tâm chính trị cấp huyện có thời điểm còn lúng túng; một số trung tâm chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, đảm bảo các tiêu chí chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, chế độ chính sách với cán bộ kiêm nhiệm chức danh ở 2 mô hình còn chưa phù hợp.

           

Trên cơ sở những khó khăn vướng mắc khi thực hiện 2 mô hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ, khắc phục tồn tại, hạn chế. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo sự đột phá trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là ở cơ sở.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới