Hướng đi mới ở tổ hợp tác thủy sản Mường Trai

Với mục đích liên kết những người nuôi cá lồng, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, tìm đầu ra cho sản phẩm, tổ hợp tác thủy sản Mường Trai (Mường La) được thành lập năm 2018, đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

 

Mô hình nuôi cá ở tổ hợp tác thủy sản Mường Trai (Mường La).

 

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi cá lồng của các thành viên, anh Lò Văn Phương, Tổ trưởng tổ hợp tác thủy sản Mường Trai, chia sẻ: Trước đây, khi mới tích nước lòng hồ bà con chỉ nuôi quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chủ yếu là để phục vụ sinh hoạt gia đình, chưa chú trọng đến việc nuôi cá theo hướng hàng hóa. Để phát triển bền vững, năm 2018, 22 hộ nuôi cá trong vùng đã bàn bạc liên kết và thành lập tổ hợp tác thủy sản Mường Trai với 50 lồng cá. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm. Hiện, tổ đã phát triển lên 84 lồng cá với sản lượng gần 100 tấn cá các loại/năm, mang lại nguồn thu đáng kể cho các thành viên. 

 

Tìm hiểu được biết, để cá sinh trưởng phát triển tốt, các thành viên chủ yếu nhập cá giống có trọng lượng lớn, như cá trắm, cá lăng từ 1-1,5 kg/con về thả chỉ sau một năm cá trắm sẽ đạt trọng lượng từ 2,5-3,5 kg/con; cá lăng đạt trọng lượng từ 2-4 kg. Thức ăn cho cá chủ yếu tận dụng thức ăn có sẵn như cỏ, ngô, sắn, cây chuối nên thịt cá săn chắc, thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng, được các tư thương đến tận nơi để thu mua. Hằng năm, các thành viên được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở từ 2-3 lớp tập huấn về cách nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cá, được tham quan các mô hình nuôi cá tiêu biểu. Từ đó, các thành viên biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, nhiều thành viên thu nhập ổn định từ 100-200 triệu đồng/năm.

 

Anh Lò văn Quý, bản Cang Bó Ban, kể: Khi chưa tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La, gia đình tôi chỉ trông vào nương ngô, sắn thu nhập thất thường, mỗi năm trừ chi phí chỉ thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Khi lòng hồ tích nước, gia đình bắt đầu làm lồng để nuôi cá, song chủ yếu là phục vụ sinh hoạt gia đình. Đến năm 2018, gia đình tôi tham gia thành viên Tổ hợp tác, gia đình đã vay Ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư làm thêm 4 lồng cá, nâng tổ số lên 5 lồng. Tham gia Tổ hợp tác được chia sẻ kinh nghiệm nuôi, đầu ra cho sản phẩm nên yên tâm lắm, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng hơn 1 tấn cá, trừ chi phí thu 80 triệu đồng.

 

Còn anh Cầm Văn Sâm, bản Lả Mường, có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá, cho biết: Gia đình tôi đầu tư nuôi cá từ năm 2015 với 6 lồng cá và trồng 5.000 m² cỏ cùng 1.000 khóm chuối làm thức ăn cho cá. Để cá lớn nhanh, ít dịch bệnh, gia đình đã chọn mua giống cá trắm và rô phi ở trong huyện đã thích nghi với môi trường nước sông Đà. Đồng thời, cho cá ăn đủ lượng, riêng cá trắm mỗi ngày cho ăn 2 lần bằng cỏ và cây chuối, còn đối với cá rô phi cho ăn 3 lần/ngày vào các thời điểm sáng, trưa, chiều bằng cám công nghiệp. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh lồng cá hoặc sau khi thu hoạch hết cá lưới sẽ được giặt sạch phơi khô. Ngoài nuôi cá lồng, gia đình còn dùng lưới ngăn khe núi rộng 1 ha nuôi cá trắm, chỉ sau 2 năm nuôi cá sẽ đạt trọng lượng 5 kg/con. Trung bình mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 6 tấn cá các loại, mang lại thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.

 

Trước những hiệu quả mang lại, các thành viên đang bàn bạc để thành lập HTX gắn kết các thành viên, tạo nhiều cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, được tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản, mở rộng thị trường, đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới