Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững.

Nhân dân xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn ra quân mở rộng đường nội bản.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 54 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì, giữ vững thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các xã đã đạt chuẩn là làm cách nào để giữ vững các tiêu chí đã đạt khi Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều tiêu chí thay đổi, tăng về lượng và chất.

Tại huyện Yên Châu hiện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt thì các xã còn thực hiện nhiều giải pháp để duy trì các tiêu chí đã đạt được. Đơn cử như xã Viêng Lán, việc duy trì các tiêu chí “mềm” về an ninh trật tự là rất quan trọng, vì đây là tiêu chí dễ đạt mà cũng dễ bị mất nếu chính quyền và nhân dân lơ là. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã còn nêu cao vai trò của các hội, đoàn thể, các ban quản lý bản, tiểu khu để công tác quản lý, giáo dục được sát sao.

Còn đối với xã Chiềng Pằn, địa phương về đích nông thôn mới năm 2016. Để giữ vững tiêu chí về hộ nghèo, chính quyền xã tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó chú trọng vào tiêu chí thu nhập, vì đây là tiêu chí có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến nhiều tiêu chí khác. Ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, cho biết: Cấp ủy, chính quyền đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các giống lúa lai, ngô lai vào thâm canh gần 600 ha; thực hiện quy hoạch tập trung, cải tạo, trồng mới 420 ha cây ăn quả có giá trị hàng hóa, như: Xoài tròn, chuối, nhãn, mít thái,... Ngoài ra, xã khuyến khích người dân phát triển kinh tế tập thể, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hiện, đã thành lập 5 HTX, bước đầu phát huy được vai trò tập hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, huyện Mai Sơn đã tập trung phân tích, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, chủ động xây dựng các giải pháp, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phát huy tinh thần “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, thời gian qua, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp vào công tác giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng, cơ sở vật chất nhà văn hóa, trường lớp học. Đồng thời tiếp tục vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường; kéo điện chiếu sáng; vệ sinh môi trường để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2022, huyện Mai Sơn phấn đấu thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Giữ vững các tiêu chí đã đạt đang là thách thức không nhỏ đối với nhiều xã, bởi được công nhận đạt chuẩn mới chỉ là bước khởi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tham mưu, trình ban hành các quy định, cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai chương trình xây dựng NTM đảm bảo theo quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tham gia xây dựng NTM. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể của địa phương phụ trách các nội dung thực hiện, theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ thời gian. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình; lồng ghép, bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được phân cấp theo quy định, để tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt tại các xã phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch.

Sơn La đã có những bước tiến dài trong xây dựng NTM, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến những hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Với quan điểm “xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu mà không có kết thúc”, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, việc phát huy sức mạnh nội lực trong dân chính là cách để xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới