Điệu xòe của người Dao Tiền

Điệu xòe (còn gọi là điệu múa chuông) là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bảo dân tộc Dao ở Sơn La nói chung và người Dao Tiền ở huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ nói riêng. Điệu xòe xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Dao như: Lễ Cấp sắc, Lễ Tết nhảy (hay còn gọi là lễ Cầu mùa của dòng họ)...

 

Điệu xòe của người Dao trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu.

Điệu xòe của người Dao được bắt đầu khi tiếng trống, chiêng, tiếng chuông vang lên và được thể hiện qua các động tác nhún, nhảy, xoay vòng, rung chuông, tất cả những động tác ấy được thể hiện một cách nhanh, gọn, dứt khoát lặp đi lặp lại và đi theo một vòng tròn.Trong mỗi lần xòe phải có ít nhất một thầy cúng xòe và hát cúng để điều khiển. Mỗi lần xòe kéo dài từ 40 - 60 phút, ai đến tham dự cũng bị hút vào một không khí sôi động, hào hứng với những bước chuyển, xoay người của hàng chục người mà không ai bị lỗi nhịp trong vòng tròn đó. Người Dao khi sinh ra dường như bẩm sinh đã có thể xòe. Điệu xòe vừa mang tính sôi động, vui tươi vừa mang tính linh thiêng.

Ông Bàn Văn Đức, bản Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, là một người am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao Tiền cho biết: Người Dao gọi điệu xòe này là “Là miến”, “là” có nghĩa là xòe, múa hay gọi cách khác là nhảy; “miến” nghĩa là thần thánh. Với mỗi lễ nghi điệu xòe mang ý nghĩa khác nhau như: Trong đám tang, người ta múa điệu xòe này suốt ngày, suốt đêm để tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia. Trong lễ Cấp sắc, khách đến dự lễ xòe để chúc mừng gia chủ đặt tên cho con trai, sau đó người Thầy dẫn nhịp, dạy người được Cấp sắc xòe. Trong lễ Cầu mùa của dòng họ, xòe để xua đuổi mọi tà ma, tống tiễn một năm cũ với những điều rủi ro, đón năm mới may mắn, đón điều tốt đẹp, đón lúa gạo, mùa màng bội thu, đón sức khỏe và con cháu đến với mỗi gia đình trong họ...

Nhạc cụ chính phục vụ múa xòe là trống, chiêng. Mỗi lần xòe, có một người đánh chiêng và một người đánh trống phục vụ. Tiếng trống của người Dao Tiền có nét đặc trưng riêng, luôn là nhịp kép, đòi hỏi người đánh phải nhanh tay, dứt khoát trong từng lần đánh. Đánh chiêng thì đơn giản hơn, tiếng chiêng là nhịp đơn, cứ hai tiếng trống thì một tiếng chiêng. Hai âm thanh đó hòa quyện nhịp nhàng, sôi động, lúc trầm ấm, lúc rộn rã như thúc giục lòng người. Kèm theo tiếng trống, chiêng là tiếng chuông của những người xòe. Họ vừa xòe vừa đều đặn lắc chiếc chuông trên tay theo nhịp chiêng.

Mỗi khi Tết Nguyên đán đến, bắt đầu từ tối 29 đến hết ngày mùng 2, ở những bản người Dao, dù ngày hay đêm đều nghe thấy tiếng trống, chiêng. Mọi người múa xòe đón năm mới tại nhà già làng có uy tín trong bản hoặc nhà tổ chức lễ Cầu mùa của dòng họ, mọi người từ khắp nơi về, cùng nhau hòa vào vòng xòe lớn, vừa xòe vừa nói cười vui vẻ, người lớn dạy trẻ con học múa, người biết dạy cho người chưa biết. Trong vòng xòe, từng bước chân của người xòe như có sự tập rượt kỹ lưỡng, bước nhảy, nhún, xoay vòng đều tăm tắp nhưng thực tế không có sự chuẩn bị trước. Vòng xòe ban đầu chỉ vài người là các thầy cúng và những người lớn tuổi, dần dần cả trẻ con, phụ nữ, những người từ nơi khác đến, cả người dân tộc khác dù không biết nhảy cũng hòa vào vòng xòe để học, để góp vui. Vòng xòe cứ thế lớn dần lên, thành hai rồi ba vòng, người lớn vòng ngoài nhường vòng trong cho người trẻ. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chuông vang lên hòa lẫn với tiếng hát “Páo dung” của những thầy cúng trước bàn thờ của tổ tiên, tạo nên một không khí nhộn nhịp nhưng không kém phần linh thiêng. 

Xuân đang về, tiếng trống, chiêng, tiếng chuông, tiếng những đồng bạc trên bộ trang phục dân tộc kêu lách cách và tiếng reo hò vui mừng của bà con cùng hòa nhau trong điệu xòe truyền thống của dân tộc âm vang một góc bản người Dao. Mong cho một năm mới đến với những bản người Dao Tiền luôn được sum vầy, gắn bó, gặp nhiều may mắn và cuộc sống thêm ấm no như điệu xòe gắn kết của họ.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới