Tự hào là Chiến sĩ Điện Biên Phủ

Khác ngày thường, sáng ngày 7/5/2024, ông Trần Minh Dũng, tổ 1, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La lại dậy rất sớm, ông chỉnh tề trong bộ quân phục, đeo Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cùng cả gia đình hồi hộp ngồi trước màn hình ti vi để xem truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Với ông hôm nay là một ngày trọng đại cảm xúc dâng trào, tự hào khi mình là những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu”.

Giọng nữ

 

Ông Trần Minh Dũng và vợ theo dõi truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Ông Dũng kể lại: Tôi tham gia bộ đội từ tháng 6/1953, sau đó được vào vùng tự do Thanh Hóa huấn luyện tân binh tại Trung đoàn 55. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, cả Trung đoàn điều động hành quân đi bộ từ Thanh Hóa lên bổ sung vào Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để tránh địch phát hiện, chúng tôi ngày ở trong rừng, đêm hành quân, cơm ăn với cá khô, sau 20 ngày hành quân đi bộ, Đại đoàn có mặt tại Điện Biên. Trên đường hành quân, gặp nhiều thanh niên xung phong phá bom mở đường, những anh chị dân công hỏa tuyến quê ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La... đang tải gạo và vũ khí lên chiến trường.

Ông Trần Minh Dũng hào hứng kể lại kỷ niệm tham gia chiến đấu Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Dũng nhớ lại: Chúng tôi lên đến nơi cũng là lúc chiến dịch đang diễn ra ác liệt, giành giật từng mét chiến hào. Trong đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Độc Lập. Trưa ngày 7/5, quân ta diệt tiếp các vị trí 507, 508 và 509 ở bên bờ sông Nậm Rốm, địch đối phó yếu ớt. Nắm chắc thời cơ, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, cùng các đơn vị bạn ở phía Đông tiêu diệt những vị trí cuối cùng của giặc. Quân ta đánh đến đâu địch đầu hàng đến đó, chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị hành quân về đóng quân trong rừng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, một sự kiện ông cùng đồng đội trong đơn vị không ngờ tới đó là khi đang ở lán trong rừng, bất ngờ được Bác đến thăm, động viên và tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Ông Dũng kể: Người Bác gầy, vẫn đôi dép cao su, khiến cán bộ, chiến sĩ cảm động rơi nước mắt. Bác ân cần căn rặn: “Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành, thật thà, thẳng thắn, giữ gìn 10 lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuyển trao quà của Thủ tướng Chính phủ cho Cựu chiến binh Trần Minh Dũng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến năm 1957, ông được chuyển về Sở Tài chính Khu tự trị Thái, Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc), được cử đi học văn hóa Trường bổ túc công nông Trung ương. Sau đó, ông thi vào Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc; đi học ở Liên Xô; Trường đại học Nông nghiệp Côn Minh, Trung Quốc.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn rèn luyện cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và được giao giữ nhiều trọng trách ở tỉnh Sơn La, như: Phó Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Trường Đảng, Bí thư huyện Mộc Châu; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La, đến năm 1997 thì ông nghỉ hưu.

Với 44 năm tham gia cách mạng, gần 70 năm tuổi Đảng, năm nay ông Trần Minh Dũng bước sang tuổi 89 tuổi. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.

Minh Thu (ghi theo lời kể nhân vật)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới