Tưởng nhớ chiến sĩ Gạc Ma

Cách đây 36 năm, ngày 14/3/1988, diễn ra trận chiến quyết liệt của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa. Trong trận chiến đó, có 64 cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và cùng anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt những năm qua, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi công ơn những người lính đã anh dũng hy sinh vì một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong tuyến hàng hải quốc tế; là ngư trường lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, những năm 80 của thế kỷ XX, một số nước trong khu vực đã huy động lực lượng đến cắm, chiếm các đảo, bãi đá ở Trường Sa.

Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến không cân sức để tự vệ và bảo vệ đảo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa, 64 cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và anh dũng hy sinh.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam không dùng vũ khí mà đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma, đã trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, mãi khắc sâu trong lòng những người ở lại. Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Vùng 4 Hải quân tổ chức tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Tưởng nhớ sự anh dũng hy sinh của 64 chiến sĩ trong hải chiến Trường Sa năm 1988, hằng năm, Vùng 4 Hải quân tổ chức các hoạt động tưởng niệm kết hợp với giáo dục truyền thống, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ôn lại những câu chuyện về 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma trong giờ sinh hoạt chính trị. Từ đó, hun đúc lòng yêu nước, tình yêu quê hương, đất nước và quyết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương của chiến sĩ trẻ.

Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân dâng hoa tại Lễ tưởng niệm. 
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Trong chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024 vừa qua, khi đến với cụm đảo Sinh Tồn, tôi vinh dự được cùng Đoàn công tác gồm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, các nhà báo, phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ mọi miền của Tổ quốc, tham gia Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong giờ phút bồi hồi xúc động, thời gian dường như chậm lại cùng cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển đảo quê hương.

Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại đảo Trường Sa.
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Xúc động, nghẹn ngào là cảm xúc của nhà báo Nguyễn Khắc An, Báo Nghệ An, khi lần đầu đến Trường Sa và được dự buổi Lễ tưởng niệm các liệt sĩ, trong đó có người bạn của mình. Anh đã thắp nén nhang, thả xuống biển khơi cho bạn và những người đồng đội một nắm đất mang từ quê hương xứ Nghệ. Tấm chân tình được anh bao bọc, trân trọng suốt cả hành trình cùng với những bông hoa cúc, hạc giấy.

Nhà báo Nguyễn Khắc An chia sẻ: Bạn tôi - liệt sĩ Lê Bá Giang cùng 63 đồng đội đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma. Lần này, được đến Trường Sa, những kỷ niệm giữa tôi và liệt sĩ Lê Bá Giang lại ùa về. Tôi muốn nhắn gửi tới bạn của tôi rằng quê hương, gia đình và bè bạn luôn nhớ về bạn, luôn tự hào về bạn.

Nhà báo Nguyễn Khắc An tưởng nhớ người bạn của mình.

Còn quân nhân chuyên nghiệp Thiếu tá Trần Thị Thủy, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó Đảo trưởng đảo Gạc Ma, đã hy sinh trong hải chiến cách đây 36 năm, vô cùng xúc động: Tháng 5/2023, tôi được tham gia đoàn công tác đến với quần đảo Trường Sa, tôi xúc động vô cùng khi tận mắt nhìn thấy nơi bố tôi đã anh dũng hy sinh. Nguyện hứa với bố sẽ tiếp bước truyền thống của gia đình, năm 2010, tôi viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, nguyện vọng được phục vụ trong Quân chủng Hải quân. Khi chứng kiến đồng đội ngày đêm canh giữ các vùng biển đảo, tôi luôn vững niềm tin, chủ quyền của Tổ quốc sẽ mãi được bảo vệ vững chắc.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin ôn lại truyền thống lịch sử.
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Những ngày tháng 3, tại Thành phố Cam Ranh cùng quần đảo Trường Sa, các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chỉ huy các đảo tiến hành giáo dục lịch sử truyền thống, tổ chức các hoạt động tri ân tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao…

Thả hoa xuống biển tri ân cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thay lời kết, xin được mượn câu nói bất hủ của liệt sĩ Trần Văn Phương trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Anh hùng”. Chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc đã, đang và sẽ được cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân cũng như những thế hệ người Việt Nam tiếp nối và giữ vững.

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới