Xây dựng hệ thống chính trị khu vực biên giới vững mạnh

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án “Bố trí chức danh cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới”, lực lượng được tăng cường đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

                                       

Đại úy Vừ Quyền Mua, cán bộ biên phòng tăng cường xã Mường Sai (Sông Mã) hướng dẫn người dân trên địa bàn trồng cây ăn quả.

             

Là một trong 17 xã biên giới có cán bộ biên phòng tăng cường, 4 năm qua, bà con các dân tộc xã Tân Xuân (Vân Hồ) luôn gần gũi với hình ảnh Thiếu tá Đỗ Văn Lời, cán bộ tăng cường của Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, thường xuyên bám cơ sở trò chuyện, nắm bắt tình hình cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Thiếu tá Đỗ Văn Lời, cho biết: Xã Tân Xuân có 2,3 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) với gần 1.070 hộ, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống tại 9 bản. Trước năm 2016, việc tổ chức sinh hoạt Đảng của các chi bộ ở đây còn hạn chế, nhiều bản “trắng” đảng viên, các tổ chức đoàn thể hoạt động chưa nền nếp, tác phong làm việc nặng tính dòng họ, trình độ dân trí của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... là bài toán nan giải đặt ra với cấp ủy, chính quyền nơi đây.

             

Với những kinh nghiệm nhiều năm gắn bó ở cơ sở, anh đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy đưa ra nhiều giải pháp sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền như: xây dựng quy chế hoạt động; kế hoạch làm việc của Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể; rà soát, đánh giá trình độ, năng lực cán bộ, từ đó có các giải pháp cử đi đào tạo, luân chuyển vị trí công tác, tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn; phát triển đảng viên ở các bản biên giới... Hoạt động của Đảng ủy xã vào nền nếp, có quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng; các chi bộ sinh hoạt đúng định kỳ, ra nghị quyết sát với tình hình thực tế địa phương và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Đến nay, trên địa bàn xã không có bản “trắng” chi bộ, đảng viên; trung bình mỗi năm bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp được 15 quần chúng ưu tú vào Đảng; nhiều chi bộ từ yếu kém vươn lên khá và trong sạch, vững mạnh.

             

Tìm hiểu về hiệu quả của Đề án “Bố trí chức danh cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới”, chúng tôi được biết: Đảng ủy BĐBP tỉnh đã lựa chọn những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong công tác Đảng, quản lý Nhà nước tăng cường về các xã biên giới. Đồng thời, phối hợp với huyện ủy 6 huyện biên giới thực hiện Đề án sắp xếp các cán bộ biên phòng trong diện tăng cường về công tác tại các xã biên giới.  Trong số 17 cán bộ biên phòng về 17 xã biên giới theo có 13 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư đảng ủy các xã. Quá trình công tác, các cán bộ được tăng cường đã phát huy hết khả năng của mình cùng cấp ủy, chính quyền triển khai các nhiệm vụ công tác, từ xây dựng Đảng, củng cố các tổ chức đoàn thể; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo chương trình, kế hoạch hằng năm; cùng với cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng 1.495 quần chúng ưu tú; trong đó, 600 quần chúng ưu tú đã được kết nạp Đảng.

             

Bên cạnh chú trọng công tác xây dựng Đảng, các cán bộ tăng cường luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn mô hình chăn nuôi, trồng trọt có giá trị và cho năng suất cao vào sản xuất. Tiêu biểu như: mô hình trồng chanh leo tại huyện Mộc Châu; mô hình trồng mận hậu ở các huyện: Yên Châu, Vân Hồ, Mai Sơn; mô hình nuôi dê, bò sinh sản ở các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã...

             

Trong lĩnh vực đảm bảo an ninh biên giới, các cán bộ tăng cường thường xuyên chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp có liên quan đến an ninh trật tự; phối hợp với các đồn biên phòng triển khai các kế hoạch đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các hiệp định, nghị định về quy chế quản lý biên giới nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Từ năm 2016 đến nay, các cán bộ tăng cường đã cùng chính quyền địa phương tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền với gần 6.900 lượt người tham gia; giải quyết 21 vụ việc liên quan đến hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, di cư tự do, tranh chấp đất sản xuất giữa các hộ dân; vận động người dân giao nộp gần 240 khẩu súng, vật liệu nổ.

             

Việc tăng cường cán bộ, chiến sỹ biên phòng về cơ sở là chủ trương phù hợp với thực tiễn ở địa bàn biên giới khó khăn. Qua đó, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, đồng thuận giữa chính quyền, nhân dân và đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn, góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới