Phát huy giá trị di tích khảo cổ, danh thắng hang Co Noong

Hiện nay, huyện Mường La có 6 di tích, danh thắng được công nhận xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, hang Co Noong, bản Nà Lo, thị trấn Ít Ong là một trong số những địa điểm có giá trị khảo cổ, danh thắng cần được quan tâm quản lý, bảo vệ và phát huy.

Lòng hang Co Noong rộng có nhiều thạch nhũ đẹp.

Cách đập thủy điện Sơn La khoảng 250 m, hang Co Noong (còn gọi là hang Tổ Ong) nằm gần đỉnh một dãy núi đá vôi khá cao. Sau 30 phút đi bộ theo đường mòn, chúng tôi đến được hang Co Noong. Phía trên hang, rễ cây cổ thụ vươn dài, bám chặt vào vách đá tạo nên nét nguyên sơ, bí ẩn; cửa hang rộng, có thể nhìn bao quát đập thủy điện và dòng sông Đà; lòng hang có hình tròn giống như tổ ong; nền hang rộng trên 300 m²; vòm hang cao từ 10 - 20m, với nhiều thạch nhũ đẹp, hình thù kỳ lạ.

Theo người dân trong bản, hang Co Noong được phát hiện bởi những người đi bắt dơi từ những năm 1980. Trong hang có những thạch nhũ giống như hình kỳ đà cõng lửa, cóc ngậm tiền, phật bà quan âm, hình các con voi, khỉ, hươu, nai, võng lọng và đặc biệt một khối thạch nhũ giống hình cô gái ôm chàng trai, tương truyền là chuyện tình thủy chung của đôi bạn trẻ nhưng bị gia đình ngăn cấm ở vùng hữu ngạn sông Đà.

Từ cửa hang có thể nhìn thấy Thủy điện Sơn La và dòng sông Đà.

Thạch nhũ trên trần hang Co Noong.

Nhà ở gần đường lên hang Co Noong, ông Lường Văn Minh, bản Nà Lo, thị trấn Ít Ong, chia sẻ: Tôi tuyên truyền cho người dân trong bản, những người lên hang khám phá không đập phá thạch nhũ, giữ gìn, bảo tồn để sau này đời con, cháu có thêm điểm tham quan, du lịch.

UBND thị trấn Ít Ong đã giao cho bộ phận chuyên trách của bản đảm nhận công tác bảo vệ, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân không chăn thả gia súc, không phá, hoặc lấy thạch nhũ, ảnh hưởng đến hang... Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành chức năng đầu tư, tôn tạo, làm đường lên hang, để kết nối với điểm tham quan Thủy điện Sơn La, giúp du khách có thêm địa chỉ du lịch khám phá khi đến Mường La.

Thạnh nhũ trong hang có nhiều hình dáng kỳ lạ, bí ẩn.

Người dân tham quan hang Co Noong.

Hình thạch nhũ cô gái ôm chàng trai.

Sau nhiều lần khảo sát, năm 1997, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã khai quật và thu thập được 11 di vật bằng đá tại hang, gồm: 5 công cụ rìu ngang, 2 công cụ phần tư cuội, 4 công cụ mảnh tước. Ngoài ra, trên nền hang còn thu thập được 4 mảnh gốm thô pha cát, hạt tương đổi nhỏ, trang trí vân dập, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Những di vật thu được phản ánh cuộc sống của cư dân cổ thời văn hóa Sơn Vi, cách đây khoảng 11.000 năm. Hang Co Noong đã cung cấp tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử văn hóa, biên soạn địa chí và trưng bày phục vụ khách du lịch tại Bảo tàng tỉnh.

Các hiện vật khai quật được ở hang Co Noong đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Một số di vật  cách đây khoảng 11.000 năm được khai quật tại hang Co Noong.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường La, cho biết: Tháng 4/2008, hang Co Noong được xếp hạng di tích cấp tỉnh, có giá trị về khảo cổ, thắng cảnh mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, bí ẩn. UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Công ty Thủy điện Sơn La khảo sát, lập quy hoạch, khoanh vùng bảo tồn; đầu tư thành điểm du lịch khám phá trong thời gian tới. 

Với những giải pháp tích cực của chính quyền, đơn vị liên quan của huyện, tin rằng di tích khảo cổ, danh thắng hang Co Noong sẽ sớm được đầu tư xứng tầm với giá trị vốn có, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới