Ngàn hoa dâng Đảng, Bác Hồ kính yêu

Trong không khí vui tươi phấn khởi đầu xuân, giữa cờ hoa náo nức chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, qua những phố phường khang trang, sạch đẹp với nhiều công trình đã hoàn thành và những dự án đang được triển khai tạo diện mạo mới cho phố núi vùng Tây Bắc, cảm xúc như thêm phấn chấn, rộn ràng.

 

 

Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

 

Nơi khởi nguồn tinh thần cách mạng

 

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả uy nghiêm, trầm mặc. Nơi đây từng là “trường học cách mạng” tiêu biểu của các chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước, gắn liền với hình ảnh cây đào Tô Hiệu, biểu tượng về sức sống mãnh liệt, trường tồn của tinh thần cách mạng anh hùng, bất khuất. Lật từng trang sử, năm 1908, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Ban đầu Nhà tù chỉ khoảng 500 m2. Năm 1930, hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao, thực dân Pháp 3 lần xây dựng và mở rộng nhà tù với tổng diện tích lên tới 3.900 m2, với mục đích biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ Cộng sản Việt Nam. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng chính tại nơi đây, những người cộng sản đã biến nhà tù thực dân thành “trường học cách mạng”. Đặc biệt, cuối tháng 12/1939, các đảng viên trong tù đã thảo luận về việc thành lập tổ chức cơ sở Ðảng. Ban Chi ủy lâm thời gồm 10 đồng chí do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư chi bộ. Ðến tháng 2/1940, Chi bộ chuyển thành chính thức do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên. Tháng 5/1940, tại Đại hội Chi bộ nhà tù, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư. Hồi đó, đồng chí Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của Nhà tù Sơn La. Đồng chí phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Dù bị ảnh hưởng bởi điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ, nhưng người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu vẫn tích cực hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong Nhà tù Sơn La, đồng chí đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ, cảm tình, sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7/3/1944, người chiến sỹ kiên trung Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La lúc 32 tuổi. Cây đào ở nhà tù được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của người chiến sỹ trung kiên.

 

Sự kiện Chi bộ Nhà tù Sơn La thành lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tù chính trị tại Nhà tù Sơn La. Đồng thời, cho thấy sự phát triển lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua mọi gông cùm, tra tấn của kẻ thù; là bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó, khơi dậy các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở các châu Mường La, Mai Sơn, Mương Muổi (Thuận Châu) và đỉnh cao là ngày 26/8/1945 - Ngày khởi nghĩa thành công, lập chính quyền dân chủ nhân dân tại Sơn La. Đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sơn La vì thời kỳ này toàn tỉnh chưa có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Chi bộ Nhà tù Sơn La ra đời thực sự trở thành cơ quan tổ chức và xây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này. Nhà tù Sơn La đã, đang và mãi mãi là một địa chỉ đỏ, là khúc ca bi tráng về tinh thần đấu tranh bất khuất, về ý chí kiên trung của những chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước giác ngộ lý tưởng cách mạnh; là “kim chỉ nam” dẫn đường, soi lối cho lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn tiến bước dưới cờ Đảng vinh quang, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

 

Vòng xòe đoàn kết dưới Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

 

Hội tụ và lan tỏa Quảng trường Tây Bắc

 

Sơn La hôm nay phố thị khang trang, nông thôn đổi mới. Nổi lên là địa phương có những vùng trồng cây ăn quả được quy hoạch tập trung, bài bản, có khả năng mở rộng và phát triển vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc cho sản lượng cao, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều sản phẩm của Sơn La đã xuất khẩu đến với nhiều thị trường trên thế giới, như: Nhãn xuất khẩu sang Úc; chanh leo sang Pháp; xoài sang Mỹ, Trung Quốc... Đây là thành quả của cả quá trình phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, khắc ghi lời Bác dạy.

 

Từ một thị xã nhỏ ngày nào, nay đã là thành phố khang trang với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, những con đường rộng mở thênh thang. Điểm nhấn là Quảng trường Tây Bắc gắn với Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc được xây dựng và khánh thành ngày 7/5/2019, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959 - 7/5/2019), là minh chứng thiêng liêng thể hiện tấm lòng, tình cảm của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, là nguồn động lực tinh thần vô giá để Sơn La vững bước tiến lên.

 

Quảng trường Tây Bắc tọa lạc ngay Trung tâm thành phố Sơn La với không gian khoáng đạt, phía trước là dòng suối Nậm La uốn lượn giữa lòng Thành phố. Quảng trường được xây dựng quy mô với hệ thống đường đi ô bàn cờ và cây xanh, thảm cỏ, là nơi tổ chức các hoạt động chính trị - văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Nằm giữa vị trí trung tâm Quảng trường, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc là điểm nhấn quan trọng. Tượng Bác được đúc bằng đồng, bệ tượng bằng đá. Phía sau Tượng Bác là bức phù điêu lớn, được thiết kế theo hình tượng bông hoa ban cách điệu 5 cánh, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Mặt trước chạm khắc hình ảnh nhân dân các dân tộc Tây Bắc; các nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, lễ hội, quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển của 6 tỉnh Tây Bắc. Mặt sau khắc họa một số hoạt động văn hóa, kiến trúc, cảnh quan nổi bật của tỉnh Sơn La. Nằm trên đồi cảnh quan phía sau bức phù điêu là Đền thờ Bác Hồ, là nơi để đồng bào các dân tộc đến dâng hương tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính với Bác. Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Tây Bắc là công trình mang tầm vóc có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, lịch sử văn hóa và xã hội, thỏa lòng ước mong của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Từ ngày khánh thành, Quảng trường Tây Bắc trở thành nơi người dân Sơn La - Tây Bắc và các tỉnh, thành trong cả nước đến thăm, bày tỏ lòng thành kính với Bác Hồ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những ngày này, nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân được tổ chức tại đây. Nổi bật là Hội Xuân dâng Bác được Thành phố tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian hấp dẫn. Đặc biệt nhất trong chương trình là “Hội xòe đoàn kết” với sự tham gia của hàng nghìn nam, nữ diễn viên, các nghệ nhân, nghệ sỹ, vận động viên đến từ các bản của 12 xã, phường đã tạo thành vòng xòe lớn nhất từ trước đến nay của thành phố Sơn La. Hội Xuân dâng Bác đã tạo niềm hân hoan, phấn khởi trước mùa xuân, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tình cảm của người dân dành cho Bác Hồ kính yêu, cùng nhau quyết tâm bước sang một năm mới với nhiều niềm vui, thắng lợi mới.

 

Trong không khí rộn ràng những ngày xuân, trong hào khí của 90 năm Ngày thành lập Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La thêm niềm tin sắt son, nguyện một lòng theo Đảng, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Hiện hữu hôm nay một Sơn La đổi mới, đang vươn lên, như ngàn đóa hoa tươi thắm dâng lên Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới