Dẻo thơm xôi bó phón

Nằm ở độ cao trung bình hơn 1.800 m so với mực nước biển, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La có vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc, độc đáo từ cách chế biến, sử dụng gia vị. Trong thực đơn đãi khách của bà con Ngọc Chiến, không thể thiếu món xôi bó phón.

Hoa bó phón được người dân thu mua, phơi khô để làm nguyên liệu sử dụng làm xôi.

Trong chuyến công tác tại xã Ngọc Chiến lần này, chúng tôi đã được thưởng thức món xôi bó phón. Đây là loại xôi được nấu bằng gạo nếp tan Ngọc Chiến, loại gạo đặc sản được trồng và tưới bằng nước của con suối Ta Khiết, ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi vị dẻo, thơm đậm đà. Khi chủ nhà mang ếp khẩu đựng xôi lên, chúng tôi hết sức bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy màu của xôi bó phón có màu vàng mật ong, không giống một số loại xôi lấy màu ở địa phương khác như xôi tím, xôi đỏ; hương vị cũng thật đặc biệt, hạt gạo không bị cứng và giữ nguyên được vị thơm, dẻo đặc trưng của nếp tan Ngọc Chiến.

Theo người dân ở đây, hoa bó phón chỉ có một số bản vùng cao của xã Ngọc Chiến và mọc ở khe đá nơi khí hậu ẩm, lạnh, nhiều sương mù; thân hoa mềm, hoa thành chùm màu vàng, chỉ nở vào tháng 1 và thu hái đến hết tháng 3. Do thời gian ngắn, số lượng hoa ít, hiếm, nên để có nguồn nguyên liệu làm xôi bó phón, các gia đình, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trong xã đã thu mua hoa tươi với giá 10.000 đồng/bó (khoảng 3 lạng/bó) về phơi khô. Chị Lèo Thị Hải, chủ quán ăn Hải Nềm, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến chia sẻ với chúng tôi về cách chế biến xôi bó phón. Theo chị Hải, xôi bó phón được chế biến khá kỳ công, trước tiên phải đun hoa bó phón đến khi nước chuyển màu vàng, sau đó chắt nước ra để nguội rồi cho gạo nếp đã vo sạch vào ngâm qua đêm. Sáng sớm, gạo được vớt ra cho ráo rồi đổ vào chõ làm bằng gỗ và đun trên bếp lửa, có như thế, xôi mới dẻo và không nhão. Đun đến khi gạo chín và chuyển sang màu vàng mật ong là được. Sau khi đồ xong, xôi phải đổ ra mẹt lót lá dong và quạt cho bay hết hơi nước rồi mới cho vào ếp khẩu. 

Chị Hoàng Thị Hoa, du khách đến từ huyện Văn Chấn (Yên Bái), nói: Cứ cuối tuần tôi và các bạn lại rủ nhau sang bản Lướt, xã Ngọc Chiến để nghỉ dưỡng, tắm suối khoáng nóng và thưởng thức các món ăn dân tộc. Thực đơn các món ăn dân tộc rất đa dạng và chúng tôi rất ấn tượng với món xôi bó phón của dân tộc Thái ở đây. Ăn một lần là nhớ mãi. Xôi bó phón rất ngon, nên khi về, tôi đều đặt để làm quà cho người nhà thưởng thức, khi ăn ai cũng tấm tắc khen ngon vì nó có mùi vị khác biệt, không giống những món xôi khác mà chúng tôi đã được thưởng thức.

Đến với Ngọc Chiến, du khách không những được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng, riêng biệt mà còn được chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn gỗ ẩn hiện trong mây chiều hay sương sớm, thấp thoáng xa xa với từng lớp mái đan xen nhau lợp bằng gỗ pơ-mu. Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mang trong mình vẻ đẹp bình dị, mộc mạc và một bầu không khí trong lành, cùng với những địa danh, như: Khu rừng dẻ nguyên sinh hàng trăm năm tuổi; cây sa mu trên 1.000 năm tuổi, đường kính thân cây rộng bằng sải tay 9 người lớn ôm... và đặc biệt, vào mùa hè, khí hậu ở đây rất lý tưởng cho du khách muốn tránh cái nắng chói chang, oi bức của phố thị tìm về miền sơn cước, hưởng bầu không khí trong lành, một ngày có 4 mùa, để thêm yêu, trân quý những món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho Ngọc Chiến cùng sự thân thiện, gần gũi, cởi mở của người dân nơi đây.

Ngoài vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên thì chính những đặc sắc về ẩm thực dân tộc nơi đây đã khiến cho Ngọc Chiến ngày càng trở lên có sức hút và trở thành một trong những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm đáng đến nhất trong cẩm nang của không ít du khách trong và ngoài nước khi du lịch qua miền Tây Bắc.

Trần Hiền - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới