Dập dìu tiếng khèn dẻo cao

Nhà thơ Đoàn Văn Nghiêu từng miêu tả tiếng khèn: “Man mác lá xanh, long lanh sương sớm - Tiếng reo vui vọng từ thác nước - Tiếng thâm trầm từ vách đá ngân vang”. Thật vậy, tiếng khèn Mông mang chất trữ tình đằm thắm, mượt mà. Tiếng khèn không đơn giản chỉ là một nhạc cụ phát ra âm thanh mà còn là phương tiện để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, tình cảm của mình. Với nhiều tầng ý nghĩa, cây khèn và tiếng khèn từ lâu đã trở thành một biểu tượng nổi bật trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

 

Nhảy khèn - đặc sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông.

Bất cứ ai khi đã nghe tiếng khèn Mông cũng bị mê hoặc bởi những âm thanh như tiếng gió rì rào, lướt trên những chồi non bung nở trong nắng sớm, như tan vào sương, hòa cùng gió nhẹ. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang theo vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Mông. Cây khèn đã gắn bó với người Mông bao đời nay, chứng kiến sự đổi thay của lịch sử bao thế hệ, gắn liền với bề dày văn hóa người Mông.

Cây khèn của người Mông đặc biệt từ hình dáng, cấu tạo đến cách sử dụng. Ông Vàng A Lau, tiểu khu Pa Khen 3, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) là một trong số ít những người giỏi chế tác khèn Mông mà chúng tôi được giới thiệu tìm gặp, chia sẻ: Chế tác khèn Mông rất kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và tính toán chuẩn xác. Nguyên liệu làm khèn thuộc dạng hiếm và khó tìm. Cây khèn hoàn chỉnh có cấu tạo khá phức tạp với thân chính được làm bằng gỗ thông đá, khoét lỗ và nối với 6 ống trúc già có độ dài ngắn khác nhau. Người thổi khèn, hút hơi qua đầu ống gỗ, làm rung lưỡi gà được gắn bên trong và tạo ra âm thanh. Độ trầm hay bổng của âm thanh phát ra tùy thuộc vào sự điều chỉnh của tay người chơi tại các lỗ tròn nhỏ trên ống trúc.

Cây khèn gắn liền với đời sống tinh thần của người Mông như một vật không thể thiếu. Đã từng có một thời, mỗi chàng trai Mông khi đến tuổi trưởng thành đều biết thổi khèn và múa khèn điêu luyện, thậm chí là biết chế tác những chiếc khèn hoàn hảo. Người con trai Mông học thổi khèn như một điều tất yếu như học đan lù cở, học rèn dao. Lớn lên một chút, khi lên 9, lên 10 là người con trai Mông đã theo anh, theo cha học làm khèn và thổi khèn hay. Thổi khèn không dễ, múa khèn lại càng khó hơn nên đòi hỏi người học phải trải qua cả một quá trình khổ luyện.

Không giống như các loại nhạc cụ thổi hơi của dân tộc khác, cây khèn của người Mông rất đặc biệt, người chơi chủ yếu dùng hơi hút vào mới tạo ra âm thanh. Vì vậy, đòi hỏi người thổi khèn phải có thể lực tốt, có khả năng lấy hơi và giữ hơi dài để trình diễn hết một bài nhạc kéo dài đến cả chục phút. Động tác múa khèn rất phong phú và đa dạng với những tổ hợp múa như: Nhảy đưa chân, nhảy lướt, quay đổi chỗ, nhảy ngang đạp chân, bước trườn, bước lượn, đánh chân tại chỗ, quay di động, quay nhích gót, đá gót chân, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng...

Nói về nghệ thuật thổi khèn Mông, không thể không nhắc tới ông Hạng A Cải, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu). Ông được ví là kho tàng những bài khèn cổ mà rất ít người còn nhớ đến, khả năng thổi khèn và chế tác khèn cũng khó ai bì kịp. Ông Cải nói: Những chàng trai Mông thổi khèn điêu luyện phải vừa biết giữ hơi tốt để thổi nhạc liền mạch vừa có thể múa đẹp, thậm chí là thực hiện những động tác lộn vòng, lăn mình trên mặt đất mà tiếng khèn cũng không bị dứt quãng.

Cây khèn được sử dụng trong hầu hết các dịp lễ hội của cộng đồng và các nghi lễ của đồng bào dân tộc Mông. Vậy nên, mỗi gia đình người Mông đều có ít nhất một cây khèn trong nhà. Tùy từng dịp sử dụng mà các bài khèn có âm hưởng khác nhau, thường là theo giai điệu của những bài dân ca Mông. Cây khèn đem lại tiếng nhạc reo vui, rộn rã, làm sôi động không khí ngày xuân hay những dịp lễ hội. Tiếng khèn thay cho tiếng lòng chàng trai gửi lời thương yêu tới cô gái mình yêu mến. Tiếng khèn còn là lời tiễn biệt của những người đang sống với người đã khuất khi dùng trong đám tang. Cứ vậy, cây khèn đi vào đời sống, xuất hiện mọi dịp, ăn sâu vào trí nhớ và cả tiềm thức mỗi người, trở thành biểu tượng trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

Ngày nay, đến các bản người Mông, để tìm được người biết thổi khèn không khó, nhưng người am hiểu về cây khèn và thổi, múa khèn điêu luyện thì không nhiều. Gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông nói chung và cây khèn Mông nói riêng đang là điều cần thiết. Để làm được điều đó, hàng năm, huyện Mộc Châu duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu, trong đó, tổ chức tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông, điểm nhấn là các hoạt động văn hóa như thi thổi khèn, nhảy múa khèn thu hút đông đảo các nghệ nhân tham gia. Hoạt động này không chỉ giúp quảng bá về hình ảnh, nét đẹp văn hóa dân tộc đến bạn bè, du khách mà còn góp phần bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc.

Phát huy giá trị và nét đẹp của một nhạc cụ độc đáo, huyện Mộc Châu lập hồ sơ đề nghị Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghệ thuật nhảy khèn của đồng bào dân tộc Mông. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới