Công tác xã hội hóa giáo dục ở huyện Sông Mã

Những năm qua, cùng với nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Giọng nữ

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, cho biết: Năm học 2023-2024, huyện Sông Mã có 50 trường học, với gần 50.000 học sinh. Hằng năm, Phòng chỉ đạo các trường học tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển giáo dục. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ công tác xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thân thiện.

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Chiềng Sơ, huyện Sông Mã.

Công tác xã hội hóa giáo dục huy động sự vào cuộc của các phòng, ban, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp của huyện, ở trong và ngoài tỉnh cùng chung tay, đóng góp xây dựng trường, lớp học, bếp ăn bán trú và các công trình phụ trợ khác.

Anh Quàng Văn Thăng, Bí thư Huyện đoàn Sông Mã, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Huyện đoàn đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện huy động nguồn xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh được tổng trị giá hơn 10,4 tỷ đồng; nhân dân, đoàn viên thanh niên đóng góp 1.500 ngày công xây dựng 29 điểm trường trên địa bàn huyện. Các công trình được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, thay thế nhà, lớp học cũ đã xuống cấp, giúp giáo viên, học sinh tại các điểm trường yên tâm giảng dạy và học tập.

Chi đoàn Báo Sơn La trao công trình thanh niên "Sân chơi cho em" tại điểm trường bản Pát, xã Bó Sinh, huyện Sông Mã. Ảnh: Huyền Trăng 

Từ năm 2020 đến nay, các trường học trong huyện đã tiếp nhận các nguồn tài trợ, viện trợ để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới 147 phòng học, 37 phòng công vụ, 48 phòng vệ sinh và nhiều công trình phụ trợ khác. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục còn đẩy mạnh phát triển nhanh các trường ngoài công lập, giúp học sinh với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, vẫn có sự lựa chọn cơ hội học tập và rèn luyện. Hiện nay, huyện có 4 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu dạy, học cho gần 200 trẻ. Sự phát triển của các trường ngoài công lập góp phần giảm tải cho các trường công lập trong tỉnh khi số học sinh hằng năm tăng nhanh.

Các đơn vị khởi công xây dựng trường đẹp cho em tại điểm trường Sum Pàn, Trường tiểu học Nà Nghịu, Sông Mã.

Đến nay, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn huyện Sông Mã đã được đầu tư kiên cố, khang trang. Huyện có 48/50 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số phòng học kiên cố, bán kiên cố; các phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng ở nội trú, bán trú cho học sinh, phòng công vụ cho giáo viên, phòng thư viện, bếp ăn bán trú được đầu tư xây dựng. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng tăng; trẻ mẫu giáo ra lớp chiếm 99,9%; 100% số trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; có 9/19 xã được công nhận đạt chuẩn mức độ 3 về phổ cập giáo dục tiểu học; 12/19 xã đạt mức độ 2 về phổ cập giáo dục THCS; 7/19 xã, thị trấn đạt mức độ 3.

Giờ ăn bán trú của trẻ tại Trường mầm non Anh Đào, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã.

Cô giáo Lò Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Anh Đào, xã Chiềng Sơ, chia sẻ: Nhà trường hiện có 23 phòng học kiên cố, bán kiến cố, các phòng chức năng, nhà bán trú, phòng máy tính, thiết bị dạy học, dụng cụ phục vụ công tác bán trú, thiết bị y tế và các công trình phụ trợ khác... Từ năm 2022 đến nay, nhà trường đã vận động xã hội hóa giáo dục được tổng trị giá trên 1 tỷ đồng (riêng phụ huynh học sinh ủng hộ hơn 80 triệu đồng). Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã, các bậc phụ huynh, các tổ chức đoàn thể đóng góp vật liệu, ngày công lao động đổ bê tông sân trường trung tâm và điểm trường lẻ, trồng cây xanh, hệ thống vườn hoa, cây cảnh, ghế đá..., giúp nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trước kế hoạch.

Hoạt động xã hội hóa giáo dục ở Sông Mã đã tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, trường, lớp ngày càng khang trang, công tác dạy và học có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới