Sơn La - 65 năm thực hiện lời dạy của Bác

Ngày 7/5/1959, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1959), Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương đã về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại huyện Thuận Châu. 65 mùa xuân đi qua, tình cảm, niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La vẫn luôn dành trọn cho Người.

Giọng nữ
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao các quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ảnh: PV

Sau giải phóng Điện Biên, trong điều kiện vô vàn khó khăn, thách thức, bởi sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, khắc ghi lời dạy của Bác “... đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, đã thi đua càng ra sức thi đua hơn nữa... để làm cho Khu tự trị ngày càng giàu có...”,  cán bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng đã đoàn kết, đồng lòng khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định và xây dựng cuộc sống mới. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, quân dân Sơn La vừa tích cực sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, đóng góp nguồn lực to lớn cho chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La tự hào 65 năm qua luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn, thời kỳ cách mạng. Nhưng năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ luôn quan tâm nghiên cứu, xây dựng và chỉ đạo thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh CNH, HĐH, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Sản xuất nông, lâm nghiệp có sự chuyển dịch quan trọng từ thuần nông, kỹ thuật canh tác lạc hậu, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, triển khai chương trình kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Chương trình chuyển đổi cây trồng trên đất dốc và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, với 84.160 ha cây ăn quả và cây sơn tra; cà phê Arabica lớn nhất cả nước với trên 20.000 ha; cùng nhiều loại nông sản, có diện tích, sản lượng lớn, như: 5.235 ha chè, 9.259 ha mía, 42.537 ha ngô, trên 15.300 ha sắn... Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục khởi sắc. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, trong đó, giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD.

Một minh chứng sinh động, đáng tự hào của nhân dân Sơn La vâng lời Bác dạy trong việc đồng lòng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Sơn La, tạo điểm nhấn quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra cơ hội phát triển mới cho Sơn La và cả vùng Tây Bắc đó là cuộc đại di dân tái định cư để phục vụ xây dựng hai công trình thủy điện lớn của đất nước: thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.

Cùng với đó, với sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, khu căn cứ kháng chiến, chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,.. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được mở rộng và hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đến hết năm 2018, có 204/204 xã, phường của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, phường. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca Sơn La - Tây Bắc”, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959 - 7/5/2024).

Trong xu thế hội nhập, với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, Sơn La thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều dự án lớn. Nhiều công trình công nghiệp, kinh tế, hạ tầng du lịch được đầu tư và đi vào hoạt động hiệu quả. Sản xuất công nghiệp duy trì và chuyển biến tích cực theo định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, toàn tỉnh có hơn 3.460 doanh nghiệp và 994 hợp tác xã. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới chủ trương đầu tư 4 dự án, tổng vốn đăng ký gần 104 tỷ đồng, nâng tổng số dự án cấp mới chủ trương đầu tư từ năm 2023 đến nay lên 28 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 17.680 tỷ đồng. Ngoài ra, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, các đơn vị, địa phương cắt giảm ít nhất 25% thời gian giải quyết TTHC...

Trong phong trào “thi đua học tập để sau này góp phần mở mang quê hương, đất nước” theo lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La thường xuyên quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp “trồng người”. Hệ thống trường lớp được chú trọng mở rộng đến tất cả địa bàn dân cư đến tận vùng sâu, vùng xa. Niềm vui dâng Bác, khi tháng 3/2024, thành phố Sơn La được ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO).

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân ổn định, sức khỏe được chăm sóc tốt, các chính sách an sinh xã hội và bảo trợ xã hội thực hiện kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới giữ vững, ổn định. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, hợp tác hữu nghị giữa Sơn La với 9 tỉnh Bắc Lào được duy trì, phát triển. Đặc biệt, tỉnh Sơn La đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Hội nghị xúc tiến du lịch “Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững”...

Thành phố Sơn La.
Ảnh: Lò Linh

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 116 bí thư đảng ủy xã, 62 chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương; 1.998 chi bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố có chi ủy; có 2.210 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu trưởng, tổ trưởng dân phố. Điều động, luân chuyển 243 cán bộ, công chức thuộc diện Huyện ủy quản lý; kết nạp 5.158 đảng viên; thành lập mới 20 chi bộ trong doanh nghiệp, HTX. Năm 2023, có 91,66% đảng bộ cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 88,07%.

Tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vững niềm tin, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La nguyện đoàn kết, đồng lòng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy tốt mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội phát triển, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, đưa Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Lê Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới