Lớp học xóa mù chữ ở Sam Quảng

Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời khuất sau những ngọn núi, bóng tối dần bao trùm, ánh đèn pin của những học viên của lớp học đặc biệt lại lấp loáng trên con đường đến nhà văn hóa bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Họ đến đây với mong muốn biết đọc chữ, có kiến thức để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.

Thầy giáo Hờ A Thành đón học viên vào lớp.

Cùng Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo, đến thăm lớp học xóa mù chữ ở Sam Quảng từ cuối giờ chiều. Tuyến đường đất đá gồ ghề 13 km từ trung tâm xã lên bản trước đây đã được thay thế bằng con đường nhựa kiên cố, cũng nhờ đó mà việc mở các lớp xóa mù chữ của đơn vị cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ khoảng 20 phút di chuyển, chúng tôi đã đến được lớp học.

Lớp học của những học viên đặc biệt ở Sam Quảng.

Đón chúng tôi là Thiếu tá Hờ A Thành, gắn bó với công việc này đã nhiều năm nay. Lớp học rộng chỉ rộng khoảng 40m2, với chiếc bảng mới dựng và vài bộ bàn ghế cũ. Hôm nay, trên bàn của giảng viên còn có một chiếc cân đồng hồ loại nhỏ và vài chiếc lọ nhỏ để làm dụng cụ minh họa.

Thiếu tá Thành chia sẻ: Lớp học có 28 học viên tuổi từ 16-51; học từ  lúc 19 giờ các tối thứ 2 đến tối thứ 6. Chúng tôi không thể mở lớp học vào ban ngày, bởi thời gian đó bà con đi làm nương và những công việc khác của gia đình. Ngoài dạy chữ trong những cuốn sách theo quy định, chúng tôi mang thêm những “đồ dùng học tập”, như: Cân, chai lọ, bắp ngô, quả bí và một số vật dụng gần gũi nhất với bà con để hướng dẫn cho bà con dễ hiểu.

Lớp học với các lứa tuổi từ 16 đến 51 tuổi.

19 giờ, học viên đến khá đông đủ; một số học viên nữ đưa cả con nhỏ đi theo. Chị Lý Thị Ly, 50 tuổi, lớn tuổi nhất lớp, chia sẻ: Không biết chữ khổ lắm, chẳng thể làm nhiều việc được. Nhờ thầy giáo Thành tận tình hướng dẫn nên chỉ sau 2 tháng, tôi và các học viên đã nhận biết được mặt chữ và cũng đã biết tính toán khi đi chợ ở dưới xã. Biết chữ, mọi công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Có cả học viên nhí theo mẹ đến lớp.

Thượng tá Hoàng Văn Giáp bảo: Khó nhất là việc vận động động bà con đến lớp. Do kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy; hơn nữa, vẫn còn hủ tục lạc hậu trong nhân dân nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con ra lớp. Việc duy trì sĩ số cũng không hề đơn giản. Bởi vậy, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, một số trường học trên địa bàn và phát huy vai trò của người có uy tín trong bản để vận động bà con đi học. Đồng thời, chọn những đồng chí của đơn vị có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, có uy tín trong đồng bào dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân để tham gia quá trình vận động và giảng dạy.

Chiếc cân cũng là đồ dùng học tập.

Từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lèo đã mở 6 lớp tại 6 bản trên địa bàn, với 163 học viên. Đồng thời, cử 4 cán bộ tham gia dạy xóa mù chữ, trong đó Thiếu tá Hờ A Thành đã tham gia dạy 3 lớp. Thiếu tá Thành cho biết: Gần như tuần nào cán bộ xã, chỉ huy đơn vị cũng lên kiểm tra lớp học và cùng Ban Quản lý bản vận động bà con không bỏ học. Cũng nhờ sự kiên trì của các cấp, nên sĩ số lớp luôn đảm bảo. Học viên đi học còn được hỗ trợ 10 nghìn đồng/buổi học và sách vở, bút. Qua các lớp học xóa mù chữ của đơn vị đã mở, 100% học viên đều đọc thông viết thạo đã biết tính những phép tính cơ bản.

Thầy giáo Hờ A Thành hướng dẫn học viên viết chữ.

Rời Sam Quảng khi lớp học vừa tan, sương mù giăng kín khắp lối đi, cái lạnh bủa vây chúng tôi. Thầy giáo Thành nhắc nhở: Bà con về nhà nhớ làm bài tập và chịu khó nói tiếng Việt với nhau nhé. Vậy là cả lớp học nghe theo răm rắp, cùng nhau nói tiếng Việt trên suốt chặng đường về nhà. Họ tuy là các thế hệ khác nhau, nhưng ai cũng đều mong muốn được biết chữ, có được những kiến thức mới để cùng nhau xây dựng bản làng khá giả hơn.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới