Hội thi Sáng tạo kỹ thuật - Cơ hội khởi nghiệp

Những năm qua, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật đã tạo nên phong trào thi đua sáng tạo về ý tưởng, mô hình, giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến, có tính ứng dụng cao... trong đội ngũ cán bộ, viên chức, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Hội thi cũng là cơ hội, chìa khóa để các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp từ sản phẩm sáng tạo của mình.

                                 

Các tác giả đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7, năm 2020 nhận Bằng khen của UND tỉnh.

           

Công ty TNHH một thành viên Thủy Tráng, tiểu khu 1, thị trấn Thuận Châu, là một trong những doanh nghiệp trưởng thành từ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, với sản phẩm sáng tạo “Giải pháp cải tiến hệ thống sinh khí cung cấp khí hóa sinh nhiệt gián tiếp từ nguyên liệu sinh khối”.  Sản phẩm có tính ứng dụng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, như đun nấu ở các hộ gia đình, sản xuất khí đốt chạy máy nổ, máy phát điện, nung gốm, cấp nhiệt luyện quặng, luyện kim, đốt tiêu hủy xử lý rác thải sinh hoạt...

Anh Bùi Công Tráng, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau khi đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2014, chúng tôi đã thành lập công ty để kinh doanh sản phẩm bếp hóa khí. Từ đó đến nay, chúng tôi không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; đến năm 2017, Công ty chính thức được đặc cách công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Từ đó, thương hiệu, sản phẩm của Công ty được nâng tầm và được nhiều người biết đến. Hướng đến khách hàng là các doanh nghiệp, xí nghiệp, gần 5 năm hoạt động, Công ty đã thực hiện hàng trăm dự án, công trình, như hệ thống sấy men rượu Đức Thọ ở Thái Bình; hệ thống luộc, sấy mây ở thành phố Đà Nẵng; hệ thống cấp nhiệt đốt lò hơi tráng bánh làm miến, sấy miến ở Bình Dương và một số đơn đặt hàng đang được triển khai, như hệ thống cấp khí gas chạy máy phát điện động cơ đốt trong công suất 7 MW; hệ thống phục vụ đốt lò luyện quặng, luyện kim và hệ thống lò nung gạch tuynel... mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, việc tiếp cận với các cơ chế chính sách hỗ trợ đang rất khó khăn, tôi mong muốn được tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ, nhất là về đất đai để làm mặt bằng, nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất.

           

Sản phẩm "Bếp hóa khí" của anh Bùi Công Tráng.

           

Còn anh Lò Văn Cường, tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, được biết đến như là một nhà sáng chế “chân đất” bởi chưa hề qua một ngành nghề đào tạo nào. Anh đang là chủ nhân của 4 sản phẩm, gồm máy tuốt lúa mini kết hợp sàng và quạt gió; kiềng nóng lạnh đun đa nguyên liệu; máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa chức năng; lò xử lý rác thải nhựa và túi ni lông không mùi, không khói. Những sáng chế của anh đều hướng đến mục tiêu giải phóng sức lao động của người dân, tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, thời gian và nhân công. Mặc dù có nhiều công dụng, mang lại hiệu quả cho công việc, nhưng các sản phẩm do anh Cường chế tạo ra hầu hết chưa được ai biết tới.

Anh Cường chia sẻ: Tham dự Hội thi năm 2018, “Máy tuốt lúa thủ công có gắn động cơ, kết hợp sàng và quạt gió” đoạt giải Ba, từ đó, nhiều người biết tới sản phẩm của tôi. Tham dự Hội thi, tôi còn nhận được các đánh giá, góp ý từ các chuyên gia, qua đó, sản phẩm đã cải tiến, nâng cấp và được sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Hiện nay, đã có trên 300 hộ dân sử dụng máy tuốt lúa của tôi. Tôi đang dự định thành lập HTX để mở rộng quy mô sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm này; đồng thời, có thể được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển ổn định, bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

           

Anh Lò Văn Cường chế tạo "Máy tuốt lúa".

           

Trải qua 7 kỳ hội thi Sáng tạo kỹ thuật, đã thu hút gần 400 tác giả với trên 200 sản phẩm, giải pháp. Hầu hết các công trình, đề tài tham gia đều là những sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật xuất phát từ thực tế sản xuất, lao động và công tác, đều được các chuyên gia đánh giá cao và có khả năng áp dụng rộng rãi. Nhiều sản phầm từ các lĩnh vực như công nghệ thông tin và cơ khí, tự động hóa có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa, kinh doanh ra ngoài thị trường mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội to lớn.

Cùng với đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật với khởi nghiệp sáng tạo” với mục đích để các tác giả có sản phẩm, giải pháp đạt giải tại các kỳ Hội thi thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sáng tạo kỹ thuật; đề xuất giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp.

           

Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết: Khi tham gia Hội thi, các sản phẩm, giải pháp sáng tạo của các tác giả sẽ được quảng bá rộng rãi đến với người dân; đặc biệt, với các sản phẩm đoạt giải cao, bên cạnh việc vinh danh, sẽ được hướng dẫn các quy trình, thủ tục để đăng ký sáng chế, cấp bằng bảo hộ, từ đó, mở ra cơ hội khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, Liên hiệp hội đang phối hợp cùng các cơ quan tham mưu cho tỉnh quy định rõ về đối tượng, hạn mục, định mức, nguồn kinh phí trong việc khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ Khoa học công nghệ để các tổ chức, cá nhân có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo.

           

Tiềm năng để khởi nghiệp từ các giải pháp, sản phẩm đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư của các "nhà sáng chế" còn gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét tháo gỡ vướng mắc để các tác giả đoạt giải tiếp cận được với các nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ, thuận lợi trong khởi nghiệp sáng tạo.   

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới