Phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số

Nhờ sự linh hoạt trong chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và sự nhạy bén, chủ động, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các hoạt động của Hội đang từng bước được đổi mới về nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp thời đại công nghệ số. Nhờ đó, giúp hội viên, phụ nữ dần tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động Hội cũng như trong sản xuất, kinh doanh.

Tổ Phụ nữ chuyển đổi số của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn hội viên cách sử dụng điện thoại thông minh.
Tổ Phụ nữ chuyển đổi số của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn hội viên cách sử dụng điện thoại thông minh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”. Qua đó, thực hiện quyết tâm của các cấp Hội thúc đẩy hành trình chuyển đổi số trong tổ chức Hội, góp phần xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia.

Tổ phụ nữ chuyển đổi số

Nhằm nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp đã chủ động thành lập 95 tổ phụ nữ chuyển đổi số cộng đồng, với 982 thành viên ở 88/143 cơ sở Hội. Năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phấn đấu 100% số Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, phường, thị trấn phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương tổ chức ít nhất một hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho hội viên, phụ nữ; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của Tổ phụ nữ chuyển đổi số/Tổ phụ nữ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, chuyển đổi số, triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác Hội.

Xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một xã nông nghiệp, trong đó phụ nữ là lực lượng đông đảo ở địa phương, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp nói chung và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong cuộc hưởng ứng chuyển đổi số hiện nay, sự tham gia của phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng. Chính vì điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phương Thịnh quyết định thành lập Tổ Phụ nữ chuyển đổi số, với chín thành viên tham gia ban đầu.

Mô hình Tổ Phụ nữ chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả trong tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ và người dân cài đặt, đăng ký ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID. Từ khi ra mắt tháng 2/2023 đến nay, tổ đã tạo 14 nhóm Zalo của các chi, tổ Hội và Facebook cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thanh toán bằng ví điện tử, nộp hồ sơ một cửa trực tuyến, hướng dẫn và giúp hội viên phụ nữ, người dân cài đặt. Kết quả, đã tổ chức được 54 cuộc tuyên truyền cho gần 1.200 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia. Bên cạnh đó, tổ cũng phối hợp ngành y tế, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ cài đặt “Sổ sức khỏe điện tử-Y tế Đồng Tháp”…

Trong triển khai hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, tổ đã vận động chị em tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về ứng dụng và sử dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục cũng như thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt… Chị Đỗ Thị Khuyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 1, xã Phương Thịnh chia sẻ: Chi hội có 86 hội viên sinh hoạt thường xuyên. Đến nay, tất cả hội viên đều có điện thoại thông minh; cả năm tổ của Chi hội đều có nhóm Zalo. Nhờ đó, việc sinh hoạt Hội, hay đăng ký khám, chữa bệnh… trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, tiết kiệm được thời gian, công sức.

Có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1980, đúng lúc chị Yến cùng nhóm phụ nữ đang làm cá khô tại một con sông gần nhà. Tiếng nói cười rộn rã vang cả một khúc sông quê. Những người phụ nữ nơi đây đang ngày một thay đổi như chính vùng quê này. Chị Yến trước đây kiếm sống bằng nghề làm thuê, sau này tự làm cá khô mang ra chợ bán. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ phụ nữ xã, ấp, chị Yến đã biết đăng thông tin để bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Từ đó, việc kinh doanh của chị Yến không chỉ thuận lợi mà chị còn giúp được hai phụ nữ lao động tự do trong xóm có việc làm quanh năm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phương Thịnh Ngô Thị Vẽ cho biết, bên cạnh những thuận lợi, thời gian qua, công tác chuyển đổi số còn gặp những khó khăn nhất định. Còn không ít người cao tuổi dùng điện thoại không có chức năng kết nối mạng; một số người không biết dùng điện thoại do cao tuổi hoặc không biết chữ. Bên cạnh đó, môi trường số còn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế như: người già, phụ nữ, trẻ em. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao nhận thức, năng lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Qua đó, giúp hội viên tận dụng cơ hội phát triển bản thân, gia đình, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ứng dụng công nghệ số trong khởi sự, kinh doanh

Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số như: sử dụng Facebook cho hội viên thúc đẩy hoạt động kinh doanh; hỗ trợ thiết lập xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến; kết nối, tư vấn, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và kỹ năng livestream bán hàng cho hội viên, phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp... Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số.

Nhờ sớm ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử mà sản phẩm quần áo, gối thổ cẩm, thảo dược của Hợp tác xã Thiên An, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến với đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh. Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An chia sẻ: Với mục tiêu mở rộng thị trường, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi số để giới thiệu các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng. Song trước đây, kiến thức về chuyển đổi số còn rất mới với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Do đó, việc ứng dụng trong thực tế vẫn còn lúng túng. Vì vậy, khi được tham gia lớp tập huấn, chúng tôi đã có thêm kiến thức về cách xây dựng gian hàng thương mại điện tử, lập fanpage bán hàng, áp dụng vào phát triển sản phẩm của Hợp tác xã, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế.

Chuyển đổi số cũng đã được hội viên, phụ nữ đồng bào Dao ở thôn Nà Pán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông tiếp cận, ứng dụng hiệu quả. Khi Internet về bản, những chiếc điện thoại thông minh không chỉ là phương tiện liên lạc, lướt mạng xã hội mà còn là công cụ, phương tiện giúp người dân ở Nà Pán trong đó có phụ nữ học hỏi kỹ thuật trồng trọt hay giới thiệu nông sản của gia đình. Cùng với hình thức bán hàng truyền thống tại các chợ, nhiều phụ nữ ở Nà Pán đã biết dùng Facebook, Zalo cá nhân để quảng bá và bán các sản phẩm của địa phương. Chị Tạ Thị Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đôn Phong cho biết: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, là công cụ hữu dụng giúp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất, kinh doanh cho chị em phụ nữ. Nhận thức được điều này, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chủ động tìm hiểu, học tập và thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành, nghề, đem lại những tín hiệu đáng mừng trong phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ dân tộc.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp luôn được các cấp Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng chú trọng trong nhiều năm qua. Để phù hợp với thị trường, mỗi năm, các cấp Hội đều lựa chọn những hoạt động phù hợp để nâng cao năng lực của chị em. Theo đó, các lớp tập huấn về công nghệ được chú trọng tổ chức như: “Kiến thức kinh doanh thời đại số”, “Phát triển doanh nghiệp nữ và tăng nhận diện thương hiệu doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến”, “Ứng dụng nền tảng công nghệ số trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm…”. Đặc biệt, các cấp Hội đã chủ động trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ số giúp quảng bá, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp của chị em; thành lập trang Facebook Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp để tạo điều kiện cho các chị em quảng bá, trao đổi, mua bán, kinh doanh…

Chị Trần Thị Việt Liên (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) khởi nghiệp với dòng sản phẩm ăn liền chế biến từ thịt bò, tôm tép, bánh tráng thương hiệu Davifood. Chị luôn tham dự những lớp tập huấn, đào tạo của các cấp Hội trong việc ứng dụng nền tảng số. Từ đó, chị dần chủ động hơn trong việc đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử. Hội Phụ nữ cũng là cầu nối để giúp chị tiếp cận những chương trình liên quan như: về sở hữu trí tuệ, mẫu mã bao bì, mã vạch, mã QR… để chị hoàn thiện thủ tục pháp lý. Chị Việt Liên tâm sự: “Việc được thông tin, cập nhật thường xuyên những xu hướng kinh doanh mới trong thời đại số hiện nay giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về thị trường. Nhờ đó, có hướng đi phát triển cho doanh nghiệp, từ việc thực hiện livestream, có những clíp sáng tạo giới thiệu các mặt hàng và nhiều chương trình kích cầu sản phẩm trên các trang bán lẻ của mình”.

Tuy vậy, việc hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản phẩm khởi nghiệp cũng gặp khó khăn như: các ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp chủ yếu là những hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, cho nên hạn chế kinh phí để đầu tư nhãn hiệu cũng như bao bì sản phẩm, marketing quảng cáo sản phẩm... dẫn đến sản phẩm chưa bắt mắt, ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm. Hay nhiều chị em đã lớn tuổi nên gặp khó khăn trong việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin cũng như đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chia sẻ về điều này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Huyền cho biết: Năm 2023, Thành hội đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 1.500 hội viên phụ nữ làm kinh tế về thương mại điện tử, tiếp cận các nguồn vốn vay...; đồng thời, duy trì kết nối các điểm bán hàng trực tiếp và online những sản phẩm do phụ nữ sản xuất, kinh doanh để được nhiều người biết đến và sử dụng. Với những chị em còn chưa linh hoạt trong tiếp cận công nghệ số, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cùng hội viên giúp các chị ứng dụng dần, từ việc thanh toán điện tử đến nhận đơn hàng trên trang mạng, dần dần sẽ mở rộng thêm trên các trang thương mại. Chúng tôi tin rằng, mỗi cách thức thực hiện là một phần nào giúp chị em phụ nữ kết nối và tiêu thụ được các sản phẩm của mình, đem lại sự yên tâm cho chị em hội viên phụ nữ đang khởi sự, kinh doanh 

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Kiểm tra an toàn thực phẩm tại huyện Phù Yên

    Kiểm tra an toàn thực phẩm tại huyện Phù Yên

    Huyện Phù Yên -
    Ngày 8/5, tại huyện Phù Yên, Đoàn kiểm tra liên ngành số 01 của Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm tỉnh đã kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của UBND huyện Phù Yên trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024.
  • 'BĐBP Sơn La khởi công xây dựng "Nhà đồng đội"

    BĐBP Sơn La khởi công xây dựng "Nhà đồng đội"

    Xã hội -
    Ngày 8/5, tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Bộ đội Biên phòng Sơn La đã phối hợp với Chi nhánh Viettel Sơn La và xã Lóng Phiêng, tổ chức khởi công xây dựng “Nhà đồng đội” cho quân nhân thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La.
  • 'Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ

    Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ

    An toàn giao thông -
    Hằng năm, mưa lũ gây thiệt hại, hư hỏng nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Chủ động ứng phó với thiên tai, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các cơ quan, lực lượng chức năng bảo đảm giao thông luôn thông suốt trong mùa mưa lũ.
  • 'Chăm lo đời sống cho phụ nữ và trẻ em

    Chăm lo đời sống cho phụ nữ và trẻ em

    Xã hội -
    Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 10 dự án thành phần. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Tại tỉnh Sơn La, các hoạt động của dự án đã và đang được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo triển khai, góp phần hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em.
  • 'Diện mạo nông thôn mới Mường Chiên

    Diện mạo nông thôn mới Mường Chiên

    Nông thôn mới -
    Nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai 40 km, xã Mường Chiên có 3 bản với hơn 400 hộ, hơn 1.700 nhân khẩu. Bà con nơi đây luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đặc biệt là phát huy nội lực chung sức xây dựng nông thôn mới.
  • 'Tập trung khắc phục hạn chế trong chuyển đổi số ở Mường La

    Tập trung khắc phục hạn chế trong chuyển đổi số ở Mường La

    Chuyển đổi số -
    Năm 2023, huyện Mường La đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp triển khai thực hiện chuyển đổi số; trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến của huyện Mường La đạt 70,2%, tỷ lệ văn bản phát hành trên hệ thống đạt 98,3%. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá xếp loại của tỉnh về chuyển đổi số, huyện Mường La đạt mức trung bình, với 503,9 điểm và xếp cuối cùng trong các huyện, thành phố của tỉnh.
  • 'Sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng

    Sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng

    Nông nghiệp -
    Là huyện có nguồn đất đai phì nhiêu, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, huyện Mai Sơn đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết, tăng giá trị sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xã Chiềng Đen

    Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xã Chiềng Đen

    Xây dựng Đảng -
    Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La đã xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an trật tự và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
  • 'Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lính quân hàm xanh

    Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lính quân hàm xanh

    Đồn Biên phòng Chiềng Tương có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 26 km đường biên giới, 11 mốc quốc giới, thuộc địa bàn các xã Chiềng Tương, Lóng Phiêng, huyện Yên Châu. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trọng tâm là xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
  • 'Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã gương mẫu

    Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã gương mẫu

    Gương sáng bản làng -
    Hơn 13 năm qua, anh Tòng Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, luôn năng động, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương.
  • 'Người hâm mộ mong đợi gì ở Huấn luyện viên Kim Sang-sik?

    Người hâm mộ mong đợi gì ở Huấn luyện viên Kim Sang-sik?

    Thể thao -
    Chiều 6/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng và công bố huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia và đội tuyển U23 Việt Nam là ông Kim Sang-sik (Hàn Quốc). Sau thời kỳ thành công của bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, chất lượng cầu thủ không còn được như trước là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của HLV người Pháp Philippe Troussier. Sự góp mặt của tân HLV Kim Sang-sik được kỳ vọng sẽ lấy lại niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.