Xuất khẩu lao động – Giải quyết việc làm

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh phối hợp với các sở, ngành chú trọng hoạt động tư vấn, giới thiệu và thông tin thị trường, đào tạo nghề, hỗ trợ nguồn vốn và xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.

Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), giải quyết việc làm. Theo đó, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu các đơn vị hoạt động XKLĐ uy tín tới các địa phương; thường xuyên trao đổi thông tin với Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các doanh nghiệp về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lợi thế khi XKLĐ tới nhân dân. Đồng thời, thống kê, lập danh sách lao động đăng ký tham gia xuất khẩu, giới thiệu cho các đơn vị hoạt động XKLĐ…

Ngày hội tư vấn việc làm huyện Sông Mã năm 2023. Ảnh: Huyền Trăng

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 1.016 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Arapxeut, Malaixia và thị trường Trung Đông. Hoạt động xuất khẩu lao động cho nhiều kết quả tích cực, như: Thu nhập bình quân của lao động cao (giao động từ 25 đến 45 triệu đồng/người/tháng); trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, tư duy kinh tế của người lao động được nâng lên...

Anh Quàng Văn Thìn, bản Nà Lốc, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, cho biết: Từ năm 2019 đến đầu năm 2023, tôi làm nghề xây dựng tại Nhật Bản, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/tháng. Nhờ đi xuất khẩu lao động, tôi đã dành được một khoản vốn để phát triển kinh tế khi trở về quê hương.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu cho các ĐVTN về hoạt động xuất khẩu lao động. Ảnh: Huyền Trăng

Từ năm 2021 đến nay, huyện Mường La có 46 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Qua khảo sát, thu nhập bình quân của lao động đạt từ 35 đến 45 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của người lao động tích lũy gửi về cho gia đình đã tăng nguồn vốn phát triển sản xuất và cải thiện cuộc sống.  

Ông Phạm Đức Huynh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường La, cho biết: Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện sẽ hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/người cho các đối tượng xuất khẩu lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay, huyện đã thông báo tới các xã, thị trấn về nội dung hỗ trợ để người lao động biết và nộp hồ sơ hưởng hỗ trợ theo quy định.  

Đơn vị tuyển dụng giới thiệu vị trí việc làm cho người lao động. Ảnh: Huyền Trăng 

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có đủ năng lực và pháp lý (doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); thông tin các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như quyền và nghĩa vụ của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Tuyên truyền các chương trình có sự phối hợp giữa Việt Nam với các nước. Tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu khái quát về ngành, nghề lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập, vị trí việc làm, trình độ yêu cầu; tư vấn, tuyển sinh các ngành nghề đào tạo cho đối tượng là du học sinh... Từ năm 2017 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với 55 đơn vị được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp giấy phép hoạt động đến tuyển chọn lao động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Ánh Sao, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt (Hà Nội) cho biết: Công ty tuyển sinh du học và XKLĐ sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đức. Năm 2022, chúng tôi đã kết nối và hỗ trợ 8 lao động tại huyện Phù Yên xuất khẩu lao động. Đồng thời, thành lập văn phòng đại diện tại Phù Yên và phối hợp với các địa phương trong tỉnh để tìm kiếm người lao động có nhu cầu XKLĐ.

Giải quyết việc làm cho người lao động thông qua hoạt động xuất khẩu lao động đạt hiệu quả, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các loại hình việc làm, cơ hội về xuất khẩu lao động tới nhân dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Triển khai các chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và hỗ trợ vay vốn cho người lao động khi tham gia XKLĐ. Quan tâm quản lý và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới