Mang lại nụ cười cho trẻ khuyết tật

Những năm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị khuyết tật khe hở môi, khe hở vòm miệng trên địa bàn tỉnh, mang lại nụ cười và cho các em một tương lai tốt đẹp hơn.

Giọng nữ
Khám sàng lọc cho trẻ em bị khuyết tật môi, khe hở vòm miệng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Hằng năm, Bệnh viện phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các bệnh viện tuyến Trung ương và các tổ chức từ thiện tổ chức 1-2 đợt khám sàng lọc, đánh giá và lập danh sách những trẻ có thể phẫu thuật. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội zalo, facebook về hoạt động của chương trình, thông báo thời gian, địa điểm để nhân dân biết và đưa trẻ đến khám sàng lọc.

Đối tượng phẫu thuật là bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng; di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi, hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi). Độ tuổi tối thiểu cho bệnh nhi phẫu thuật khe hở môi là 6 tháng, cân nặng tối thiểu 8 kg; độ tuổi tối thiểu của bệnh nhi hở hàm ếch là 20 tháng, cân nặng từ 12 kg trở lên. Tất cả các trẻ không có các bệnh bẩm sinh, như bệnh tim, động kinh, thần kinh và không bị ốm, sốt hoặc viêm nhiễm trong thời điểm khám sàng lọc. Đối với những trẻ có dị tật, nhưng chưa đủ điều kiện sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách chăm sóc, điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh viện chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, nhân lực tổ chức khám sàng lọc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, đảm bảo các cuộc phẫu thuật an toàn tuyệt đối. Từ năm 2022 đến nay, bệnh viện đã phối hợp khám, sàng lọc cho gần 200 trẻ bị dị khe hở môi, khe hở vòm miệng; trong đó, phẫu thuật miễn phí cho 85 trẻ em. Dự kiến trong tháng 5 này, bệnh viện sẽ phối hợp với tổ chức Operation Smile Việt Nam triển khai chương trình phẫu thuật nhân đạo cho gần 100 trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết: Dị tật sứt môi, hở hàm ếch khiến trẻ gặp khó khăn trong ăn uống, hô hấp, phát âm, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, khiến nhiều trẻ lớn lên tự ti, mặc cảm. Những nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ và phụ huynh là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng thực hiện thêm nhiều ca phẫu thuật nhân đạo, mang đến cho các trẻ kém may mắn cơ hội có cuộc sống bình thường, được hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho 30 trẻ. Đơn vị còn tặng quà, hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn trưa cho các gia đình đưa trẻ đến phẫu thuật. Ngoài ra, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương còn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ trang thiết bị y tế trong phẫu thuật cho Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Từ khi sinh ra, cháu Nguyễn Hải Viên, 3 tuổi, bản Úm 2, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, đã bị dị tật khe hở môi, không thể tự bú mẹ, phải dùng thìa, bình bơm sữa. Đến 1 tuổi, miệng cháu không tự khép được, nên việc ăn uống rất khó khăn, dẫn đến gầy gò, nhẹ cân hơn nhiều trẻ cùng trang lứa. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nên gia đình chưa đưa cháu đi khám, điều trị lần nào. Được cán bộ lao động, thương binh và xã hội của xã thông báo có đợt phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bà Tống Thị Xoong đã đưa cháu ngoại đến khám và niềm vui đến với gia đình khi cháu được chỉ định phẫu thuật. Bà Xoong chia sẻ: Gia đình tôi có 3 cháu đều bị khuyết tật, Viên là cháu út bị khe hở môi. Biết tin có đợt phẫu thuật miễn phí, bố mẹ cháu đi làm ở Hà Nội, nên tôi đưa cháu đến. Gia đình tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm.

Cũng đưa cháu nội Lèo Văn Thành, 6 tuổi đến khám và đủ điều kiện phẫu thuật đợt này, bà Vì Thị Thương, bản Bơ, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, nói: Đây là lần thứ hai cháu tôi được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Cháu bị dị tật khe hở cung răng, hở môi rất nặng nên trước đây đã được phẫu thuật. Lần này, cháu được phẫu thuật đóng khe hở cung răng và sửa sẹo. Gia đình tôi rất vui mừng bởi cháu đi học sẽ không còn tự ti, mặc cảm với bạn bè như trước nữa.

Chứng kiến niềm vui của gia đình các em nhỏ được phẫu thuật, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa nhân văn mà chương trình mang lại. Điều đó thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của cộng đồng, xã hội dành cho trẻ khuyết tật. Hy vọng ngày càng có nhiều hơn các trường hợp trẻ em kém may mắn được trả lại nụ cười.

Bài, ảnh: Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới