Nâng cao hiệu quả kinh tế HTX

Tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, gắn với tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, có sức cạnh tranh trên thị trường, đang được các HTX trên địa bàn huyện Yên Châu thực hiện, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống các thành viên và nhân dân trên địa bàn.

Giọng nữ
Công nhân Hợp tác xã Tây Bắc, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu kiểm tra sản phẩm khi xuất xưởng.

Yên Châu có 68 HTX nông nghiệp, với hơn 750 thành viên, tổng số vốn đăng ký gần 50 tỷ đồng. Các HTX thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện đã thành lập Tổ tư vấn giúp đỡ các HTX đăng ký thành lập, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các HTX, tổ sản xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, như: Triết, ghép; đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt; xây dựng nhà lưới; sản xuất hữu cơ; thu hoạch, đóng gói, sơ chế sản phẩm; phương pháp thương thảo, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường...

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Các HTX hoạt động trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả, liên kết theo chuỗi sản xuất hàng hóa, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng các sản phẩm. Huyện đang quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có trên 2.620 ha cây ăn quả chăm sóc theo hướng hữu cơ; 70% số các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP.

Đóng gói sản phẩm tỏi đen tại HTX Tây Bắc, huyện Yên Châu.

Hiện nay, huyện Yên Châu có trên 11.300 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 90.000 tấn quả/năm; trong đó, gần 1.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; được cấp 67 mã số vùng trồng, tổng diện tích 1.140 ha; đặc biệt, hơn 200 ha tỏi đặc sản được trồng chủ yếu ở các xã: Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nắm bắt cơ hội, HTX Tây Bắc, tại xã Viêng Lán đã thu mua và chế biến thành công “Tỏi đen Diệp Bách” và được công nhận “Sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2023”, đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bà Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX được thành lập từ năm 2016, chuyên sản xuất tỏi đen sấy khô. Trung bình mỗi năm chế biến 60-70 tấn tỏi tươi, thành phẩm đạt 30 tấn tỏi đen. Ngoài ra, HTX còn chế biến sản phẩm tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen, chè san tuyết cổ thụ Ôn Ốc, hoa đu đủ đực sấy, chuối sấy khô, doanh thu hơn 15 tỷ đồng/năm. HTX tạo việc làm cho 13 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định. Hiện nay, các sản phẩm được quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok...

HTX sản xuất nông nghiệp Phương Nam, xã Lóng Phiêng thành lập năm 2016, chuyên trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi. HTX đã giúp các thành viên tiếp cận kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng cường cải tạo, chiết ghép các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, hướng tới người tiêu dùng và các thị trường trong nước và xuất khẩu.

HTX Tây Bắc, huyện Yên Châu sản xuất tỏi đen.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, cho biết: HTX có 10 thành viên, trồng 150 ha nhãn, hơn 100 ha xoài; trong đó, hơn 80 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Trong 2 năm (2022 và 2023), HTX cung ứng khoảng 15.000 tấn nhãn, xoài và xuất chuồng 500 tấn thịt lợn tới các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung, doanh thu 19-20 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập của thành viên đạt 800-900 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Viết Tuân, thành viên HTX Phương Nam, chia sẻ: Từ khi vào HTX, chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh gây hại theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, gia đình tôi trồng 5 ha nhãn, nuôi 30 con lợn nái, 300 con lợn thịt, xuất chuồng hơn 150 tấn lợn hơi/năm, trừ chi phí thu lãi 1,2-1,5 tỷ/năm.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Yên Châu đã hỗ trợ 28 HTX mua bao bì, nhãn mác đóng gói sản phẩm; đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 24 HTX, với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Một số HTX đã tích cực xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm rau, quả, như: Sản phẩm nhãn và long nhãn của HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng và HTX hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang; liên kết tiêu thụ xoài của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc; mận hậu của HTX Toàn Phát, xã Phiêng Khoài; rau của HTX nông nghiệp Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn và HTX Thanh Sơn, xã Yên Sơn... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha.

Với việc chú trọng phát triển kinh tế HTX trên địa bàn, đã tạo tư duy tích cực cho các thành viên HTX trong sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh - sạch - an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, góp phần giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới