Mỗi bản một mô hình kinh tế

70 mô hình trồng trọt và chăn nuôi là kết quả sau 1 năm thành phố thực hiện chủ trương “Mỗi bản một mô hình kinh tế” theo Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn, gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”. Qua đánh giá hiệu quả bước đầu, nhiều mô hình phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, cho hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giọng nữ

Thăm bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, là vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao của Thành phố. Năm 2023, bản lựa chọn, đăng ký mô hình thâm canh cây cà phê trồng xen cây bóng mát của hộ ông Bùi Văn Thắng và ông Bùi Văn Lợi, quy mô 5 ha. Ông Hoàng Văn Tiện, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hoàng Văn Thụ, cho biết: Mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất 15 - 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt 85 - 100 tấn, giá trung bình quả tươi khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, cho thu nhập 1,1 tỷ đồng.

Chế biến cà phê mật ong tại HTX Cà phê Bích Thao Sơn La.

Ông Lèo Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hua La, cho biết: Hua La có 15 bản, 1.943 hộ dân, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Thành phố, UBND xã đã ban hành kế hoạch triển khai các mô hình “Mỗi bản một mô hình kinh tế” để chỉ đạo cán bộ công chức tuyên truyền, hướng dẫn đến các tổ, bản, các hộ gia đình và vận động các hộ tham gia. Quá trình thực hiện, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố rà soát, hướng dẫn các hộ đăng ký thực hiện mô hình. Kết quả, xã Hua La đã đăng ký 15 mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Bước đầu một số mô hình phát huy hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Tiêu biểu, xã có sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX cà phê Bích Thao đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia; mô hình chăn nuôi gà ta, gà đen thả vườn, chăn nuôi lợn thương phẩm phục vụ các nhà hàng, homestay du lịch bản Mòng và xuất bán cho thương lái các địa phương.

Mô hình chăn nuôi bò 3A của hộ dân bản Trung tâm, xã Chiềng Đen.

Còn tại xã Chiềng Đen, mô hình nuôi bò thịt 3B của hộ ông Quàng Văn Muôn, thành viên HTX Đồng Tâm cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Muôn chia sẻ: Trang trại của gia đình hiện có 16 con bò 3B nuôi thương phẩm, sử dụng thức ăn thô xanh là chính, kết hợp bổ sung thức ăn tinh bột gồm cám hỗn hợp và bột ngô, cám gạo, thường xuyên bổ sung vitamin và các loại muối khoáng thiết yếu.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đàn bò tăng trọng nhanh và ổn định. Sau khoảng 12 tháng nuôi bò đạt trọng lượng 580 - 620 kg/con, giá bán khoảng 100.000 đồng/kg thịt như hiện nay, tính ra mỗi con bò sau khi trừ chi phí lãi khoảng hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, lượng phân được ủ hoại mục dùng bón cho cây trồng, vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí tiền mua phân bón cho cà phê và cây ăn quả.

Mô hình trồng cam, quýt bản địa hữu cơ bản Ngoại, xã Chiềng Cọ.

Sau 1 năm thực hiện "Mỗi bản một mô hình kinh tế", có nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, như: Mô hình trồng cam, quýt bản địa của bản Ngoại; trồng mận hậu hữu cơ bản Dầu, Ót Nọi, xã Chiềng Cọ; trồng thanh long ruột đỏ của hộ ông Quàng Văn Trung, tổ 3, phường Chiềng An…

Ông Quàng Văn Trung, tổ 3, phường Chiềng An, chia sẻ: Sau khi được xã, bản tuyên truyền, gia đình đăng ký thực hiện mô hình thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ. Năm 2023, gia đình thu được 12 tấn thanh long ruột đỏ, giá ổn định trên 15.000 đồng/kg, cao điểm giá bán tại vườn lên tới 20.000 đồng/kg. Niên vụ 2023, chỉ với 0,3 ha, gia đình thu trên 200 triệu đồng.

Trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình, UBND Thành phố giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố phối hợp với UBND các xã, phường hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra; chủ động phòng, chống dịch bệnh phát sinh và lây lan; định kỳ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng bệnh. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi an toàn, hiệu quả, bổ sung thức ăn tinh và các loại khoáng chất cho vật nuôi; hướng dẫn xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

Ông Quàng Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố, cho biết: Sau 1 năm triển khai “mỗi bản một mô hình kinh tế”, các xã, phường đã đăng ký thực hiện 70 mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Phường Chiềng An có 9 mô hình; xã Chiềng Xôm 10 mô hình; xã Chiềng Đen 11 mô hình; xã Hua La 15 mô hình; xã Chiềng Ngần 13 mô hình… Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, phường rà soát, kiểm tra đánh giá hiệu quả từng mô hình, cho thấy, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi khá ổn định, các chủ hộ là những người dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên, không ngừng học hỏi, tìm tòi những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.

Mô hình trồng cà phê hữu cơ của hộ dân xã Chiềng Ngần, Thành phố.

Phát huy hiệu quả mô hình, thời gian tới, Thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các chính sách hỗ trợ về chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, tem, nhãn mác, bao bì, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, phấn đấu để các mô hình thực sự mang lại hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới